Dồn dập báo lãi lịch sử
Nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản vừa công bố kết quả kinh doanh năm qua, với những con số ấn tượng.
Theo báo cáo tài chính của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), lũy kế 12 tháng doanh thu đạt 13.239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.014 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm đề ra.
Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của VHC từ trước tới nay và là năm đầu tiên lãi ròng chạm mức 2.000 tỷ đồng. VHC của “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh duy trì vững chắc ngôi vị doanh nghiệp xuất khẩu cá tra số 1.
Một doanh nghiệp cá tra khác là CTCP Nam Việt (ANV) ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục trong năm 2022, với doanh thu thuần hơn 4.897 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 674 tỷ đồng, tăng 5,2 lần so với năm 2021.
Tại CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM), doanh thu thuần năm 2022 đạt 13.749 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm ngoái. Trong đó, đóng góp chính vào doanh thu của ASM là cá xuất khẩu, thương mại và thức ăn cho cá. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 631 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (IDI) công bố doanh thu thuần năm 2022 đạt 7.930 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế kỷ lục 599 tỷ đồng, tăng 399% so với năm ngoái.
"Vua tôm" - CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) - ghi nhận doanh thu công ty mẹ đạt 8.925 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 802 tỷ đồng, tăng 51% so với năm ngoái.
Một "ông lớn" khác của ngành tôm là CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 đạt hơn 5.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay. Doanh thu bán thủy sản đạt 5.488 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021 và chiếm 96% tổng doanh thu thuần của FMC. Công ty lãi sau thuế xấp xỉ 320 tỷ đồng, tăng 11% so với năm ngoái.
Thách thức
Từ quý IV/2022, ngành thuỷ sản bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra của Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất năm với 475 triệu USD trong quý cuối cùng của năm 2022, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Lý do là bởi tác động của lạm phát, đơn hàng từ các thị trường sụt giảm.
Năm 2023, ngành thủy sản đối mặt nhiều rủi ro như nguy cơ lạm phát làm giảm sức mua và rủi ro chênh lệch tỷ giá.
Về kế hoạch xuất khẩu năm 2023, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, giảm 9% so với con số 11 tỷ USD của năm qua. Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,7 triệu tấn.
Theo SSI Research, lạm phát tiếp tục là thách thức trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Dự báo, đến quý III/2023, hàng tồn kho mới được xử lý hoàn toàn, doanh nghiệp bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng mới.
SSI cho rằng, giá bán bình quân mặt hàng thuỷ sản sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu. Đến hết nửa đầu năm 2023, giá nguyên liệu tôm và cá vẫn giảm nhẹ do nhu cầu yếu.
“Với lãi suất dự kiến ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt là đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao. Dự báo, các công ty thuỷ sản công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023”, theo SSI Research.