Tỷ lệ nêu trên một lần nữa góp phần khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân như lực kéo quan trọng dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng.
Dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân trong bức tranh kinh tế Việt Nam
Doanh nghiệp tư nhân nằm trong khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân đối với các yếu tố của quá trình sản xuất kinh doanh, bao gồm các doanh nghiệp trong đó tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư.
Các thống kê cho thấy, hiện doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% tổng số trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 85% tổng số lao động cả nước. Đây là nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tăng trưởng GDP, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần khắc phục hậu quả của đại dịch và suy thoái kinh tế mà còn là kênh chủ yếu huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực nhà nước. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả thì hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân ngày càng được đánh giá tích cực hơn.
Dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân trong bức tranh kinh tế Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ nét. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động như hiện nay, kinh tế tư nhân đã và đang góp phần giữ vững nền kinh tế Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò là động lực quan trọng của sự tăng trưởng.
Trong Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do Vietnam Report và VietNamNet công bố vào tháng 3/2023, doanh nghiệp tư nhân chiếm đại đa số với 82,4%. Trong ba năm trở lại đây, tỉ lệ số doanh nghiệp tư nhân trong nhóm FAST500 khá ổn định (84,0% năm 2022 và 82,8% năm 2021), cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân như lực kéo quan trọng dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng.
Cũng theo nghiên cứu của Vietnam Report, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trung bình của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2018-2021 đạt 24,6%; trong đó, khu vực tư nhân đạt 25,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,2% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu kép của các doanh nghiệp FAST500 đã được cải thiện so với giai đoạn 2017-2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, năm nay, khu vực tư nhân vươn lên dẫn đầu về CAGR và có mức tăng so với giai đoạn trước lớn nhất (+2,3%), phản ánh khả năng phục hồi và sức bật mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.
Vai trò của kinh tế tư nhân cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn khi khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; nhiều sáng kiến, đổi mới và sự đột phá được xuất phát chính từ các doanh nghiệp tư nhân. Đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, FLC, Vinamilk… với thương hiệu không chỉ được ghi nhận ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường khu vực và quốc tế.
Thách thức, khó khăn đối với các doanh nghiệp tư nhân
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn luôn phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chồng khó khăn: nền kinh tế toàn cầu suy thoái; đại dịch COVID-19 để lại nhiều hệ luỵ; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc; xung đột quân sự Nga - Ukraina kéo dài; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn…
Theo đại diện các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đánh giá, khó khăn lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân là môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo. Điều mà các doanh nghiệp tư nhân cần không phải là sự hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt mà là hệ thống pháp luật kinh doanh minh bạch, công bằng và lành mạnh với các thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính đơn giản và thuận tiện.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; trong đó nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn đầu tiên là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, khó khăn thứ hai cản trở các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển là chi phí kinh doanh (thuê mặt bằng, tiền lương, bảo hiểm…), chi phí vốn, chi phí vận tải cao so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, lãi suất vay ở Hàn Quốc là 2-3%, ở Trung Quốc là 4,3% và ở Malaysia là 4,6%.
Ngoài ra, một khó khăn lớn khác đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh ở thị trường trong nước và sự bó hẹp của thị trường xuất khẩu. Để các doanh nghiệp nghiệp tư nhân có thể phát triển, vấn đề thị trường với đầu vào/ đầu ra của sản phẩm, vấn đề hình thành trục liên kết và hệ sinh thái doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường… sẽ cần được giải quyết thấu đáo.
Với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong từng ngành nghề, lĩnh vực lại còn có những thách thức, khó khăn riêng. Ví dụ, trước những diễn biến phức tạp trên thị trường, bức tranh ngành Bất động sản năm 2022 mở đầu bằng sự sôi động, nhưng lại “bất động” vào dịp cuối năm.
Kể từ tháng 4/2022, thị trường lắng dần với sức mua giảm đầu tiên ở phân khúc đất nông thôn, đất nền rồi lan sang thị trường căn hộ trung - cao cấp ở các đô thị lớn, số lượng giao dịch giảm dần. Tình trạng này kéo dài đến hết năm 2022 do hàng loạt khó khăn đè nén. Sự khó khăn này bắt đầu xuất hiện khi Nhà nước thực hiện các chính sách nhằm thắt chặt tín dụng ngành Bất động sản để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và tăng cường thanh tra, kiểm tra các vi phạm và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra, việc nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý đã gây ra tâm lý bất an cho toàn thị trường, khiến nhiều giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải dừng đột ngột.
Theo nhận định của phần lớn chuyên gia trong nghiên cứu về thị trường ngành do Vietnam Report công bố vào đầu tháng 4/2023, những khó khăn này còn nặng nề, nghiêm trọng hơn nhiều so với yếu tố bất khả kháng từ dịch bệnh. Trong khi đó, ngành Xây dựng và Vật liệu xây dựng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, biến động giá nguyên vật liệu, sự sàng lọc thị trường, ảnh hưởng từ sự trầm lắng của thị trường bất động sản khi tín dụng ngành bị siết chặt…
Giải pháp để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tiếp tục dẫn dắt sự tăng trưởng
Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh để mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; theo các chuyên gia, có thể đưa ra thêm các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân. Cần có sự thống nhất nhận thức trong xã hội hướng đến tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với khắc phục có hiệu quả những mặt trái, những tiêu cực phát sinh.
Thứ hai, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân; hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật; đặc biệt sửa đổi chính sách đầu tư, tín dụng, chính sách về mặt bằng sản xuất, chính sách thuế, chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội…
Thứ ba, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Nhà nước có thể đưa ra chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của mình.
Để phát huy hiệu quả vai trò và vị thế của nền kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới hiện nay, rõ ràng cần có sự nỗ lực sản xuất kinh doanh từ chính cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, và cả nỗ lực giải quyết các khó khăn trong môi trường kinh doanh của Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền. Kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng chính là chìa khoá quan trọng để đưa nền kinh tế Việt Nam phục hồi, phát triển và vươn lên trên bản đồ kinh tế thế giới trong tương lai.
Vietnam Report