Kỷ lục lịch sử bị xô đổ sớm
“Rất đáng tự hào khi các kỷ lục trong năm 2021 của Tập đoàn đã bị vượt qua chỉ sau 9 tháng đầu năm. Còn cả năm thì vượt xa”, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa “thông báo sớm” với các lãnh đạo đơn vị trong một cuộc họp tuần rồi.
Cần phải nhớ rằng, sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ, năm ngoái là năm kỷ lục của Vinachem khi lần đầu trong 50 năm lịch sử, doanh thu hợp nhất xấp xỉ 50 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận toàn tập đoàn đạt gần 4 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng ngay cả trên cái nền cao ấy, kết quả năm nay còn vượt trội.
Số liệu cập nhật đến giữa tháng 12 cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đều vượt 60 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 13% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước lãi hơn 6.000 tỷ.
Đặc biệt, khối các đơn vị thuộc danh mục các đại dự án thua lỗ ngành công thương góp tới 2.645 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 40% so với thực hiện năm 2021.
Không hề kém cạnh, "ông lớn" Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có một năm của những kỷ lục.
“Đối với PVN, có thể khẳng định 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập”, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị tổng kết 2 năm trước. Khi đó, giá dầu lao dốc mạnh chưa từng có, dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Hai năm sau, mọi thứ đảo ngược. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn năm nay đều về đích sớm và dự kiến thiết lập kỷ lục mới của ngành dầu khí.
Tổng doanh thu của PVN hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 4 tháng. Đến hết 11 tháng, doanh thu ước đạt 854 nghìn tỷ đồng, xác lập kỷ lục mới. Khai thác dầu thô 11 tháng đạt 9,91 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch năm. Sản lượng khí, điện, đạm, xăng dầu và các sản phẩm khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tại CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - 1 doanh nghiệp thành viên của PVN, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đạt mốc kế hoạch năm 2022 sớm 23 ngày và dự kiến cả năm vượt kế hoạch 8%, góp phần đảm bảo bình ổn nguồn cung xăng dầu cho đất nước.
“Thời điểm đầu năm 2022, BSR nhận định đây vẫn là năm khó khăn. Tuy nhiên, từ đầu quý II, tình hình đã đảo chiều, dịch bệnh được khống chế, nhu cầu xăng dầu tăng cao. BSR đã tận dụng lợi thế thị trường, tối ưu hóa trong việc điều chỉnh công suất nhà máy, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường và giá sản phẩm,... Việc áp dụng đồng bộ, linh hoạt các giải pháp đã mang lại cho BSR một năm sản xuất kinh doanh rất ấn tượng”, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR - chia sẻ.
Khu vực tư nhân cũng đón nhận nhiều cái tên với kết quả kinh doanh tích cực. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) ghi nhận kinh doanh bứt phá trong năm 2022 đầy khó khăn. Sau nhiều năm tái cấu trúc, Hoàng Anh Gia Lai đã tìm được ngành nghề kinh doanh phù hợp, lợi nhuận cao và giảm mạnh nợ nần.
Trong 11 tháng, Hoàng Anh Gia Lai lãi 1.115 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch đề ra cho năm nay nhờ đóng góp từ lợn thịt, cây ăn trái và cây chuối cho sản xuất thức ăn gia súc.
Một số doanh nghiệp vận tải cũng có một năm bứt phá. Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) có 2 năm bùng nổ liên tiếp nhờ cước vận tải biển tăng. Nhiều doanh nghiệp logistics, vận tải biển khác cũng lập đỉnh lợi nhuận vào giữa năm 2022 cũng như trong quý III, nhiều khả năng đạt kỷ lục trong cả năm 2022 như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN), Vosco (VOS), Vinaship (VNA) hay Gemadept (GMD). Với giá cước tiếp tục neo cao, các doanh nghiệp vận tải biển nhiều khả năng sẽ duy trì mặt bằng lợi nhuận cao trong một thời gian nữa.
Dòng vốn ngoại đổ mạnh vào Việt Nam giúp một số doanh nghiệp bất động sản công nghiệp bứt phá như Tổng công ty Idico (lợi nhuận có quý tăng 7 lần), hay như Viglacera, Becamex IDC (BCM), Sonadezi (SNZ),...
Các tập đoàn lớn của nước ngoài hoạt động ấn tượng. Bốn nhà máy Samsung tại Việt Nam lãi gần 4 tỷ USD sau 9 tháng. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Intel và gần đây là Apple cũng có những kế hoạch mới ở Việt Nam.
Động lực cho tăng trưởng
Kết quả ấn tượng của các doanh nghiệp lớn, nhất là đều thuộc khối sản xuất, đã tạo động lực cho tăng trưởng Việt Nam năm 2022, với con số dự kiến lên đến 8%, cao nhất kể từ 2007.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên tăng trưởng Việt Nam cả năm nay trong khi nhiều quốc gia khác bị điều chỉnh giảm. Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại... thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. Đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia ở châu Á.
Ông Bill Winters, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, đánh giá: Việt Nam đang duy trì sự cân bằng về cán cân thương mại, tiếp tục xuất siêu nhờ tăng trưởng xuất khẩu cả về số lượng và giá trị hàng hoá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dồi dào nên có đủ dư địa để hỗ trợ tỷ giá. Thời gian tới, áp lực đối với đồng tiền Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt.
“Cơ bản, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành để giữ mặt bằng giá cả trong nước, không hình thành mặt bằng giá mới, cùng với đó nguồn cung hàng hoá dồi dào, tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu... Ưu tiên với Việt Nam lúc này là làm sao giữ được mặt bằng lãi suất, thị trường vốn ổn định, hỗ trợ, tạo thặng dư trong sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng nội địa”, ông Bill Winters chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham) nhận định: Chính phủ Việt Nam đã đưa những chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Trong kì họp vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thực sự đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô thành trọng tâm của hoạch định chính sách.
"Tôi cho rằng, thời gian tới, Việt Nam nên đặt mục tiêu và có những chính sách để có thể kiểm soát tốt được tỷ lệ thất nghiệp, kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Từ đó, tăng trưởng GDP sẽ được đảm bảo", vị này khuyến nghị.