Dữ liệu đang trở thành một loại tư liệu sản xuất mới
Chia sẻ tại diễn đàn "Kiến tạo giá trị từ Chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI”, theo ông Trần Tịnh Minh Triết – Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam, chuyển đổi số không phải sự lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Tuy nhiên, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp, Chính phủ bắt buộc phải có dữ liệu.
Thống kê của MIT cho thấy, đến 2025 sẽ có 175 Zettabytes dữ liệu được sinh ra. Nếu mỗi USB là 1GB dữ liệu, cần có 175 nghìn tỷ USB mới lưu trữ hết được dữ liệu của thế giới. Lượng USB khổng lồ này có thể xếp vòng quanh 222 lần đường xích đạo.
Giám đốc giải pháp của SAP Việt Nam cho rằng, dữ liệu giờ đây đã trở thành một loại tư liệu sản xuất. Dữ liệu là một loại tài sản quý, vô hình nhưng lại không xuất hiện trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Thậm chí, có những ước tính cho thấy, 25% giá trị một doanh nghiệp phụ thuộc vào lượng dữ liệu mà công ty đó đang nắm giữ.
Lấy ví dụ về tầm quan trọng của dữ liệu, ông Triết nhắc tới câu chuyện của 2 doanh nghiệp trong ngành sản xuất ô tô là General Motors và Tesla. General Motors có hơn 100 năm tuổi, trong khi Tesla chỉ mới thành lập năm 2011, thế nhưng giá trị của Tesla chỉ sau 10 năm đã ngang bằng với General Motors vào năm 2018.
Theo ông Triết, sở dĩ Tesla có giá trị cao bởi công ty này sản xuất ra sản phẩm càng xài càng tốt, càng xài càng hiểu người dùng. Đây là một ví dụ điển hình cho một doanh nghiệp dùng dữ liệu để sản xuất ra sản phẩm thay thế cho những công ty truyền thống.
Ở một ví dụ khác, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang sử dụng dữ liệu nhằm hỗ trợ việc lên kế hoạch sản xuất và làm việc với các đối tác. Một số công ty tại Ấn Độ hiện đã sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu, từ đó đặt mua trước nguyên liệu sản xuất với giá thấp hơn. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam không làm được.
Đưa ra lời khuyên, Giám đốc giải pháp của SAP Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp, tổ chức cần kết hợp dữ liệu bên trong (internal data) với các dữ liệu bên ngoài (extenal data) để đưa ra phân tích, từ đó hỗ trợ việc đưa ra quyết định. Tuy nhiên, con người vẫn là chủ thể cuối cùng, quyết định mình cần làm gì với những đề xuất, dữ liệu này.
Doanh nghiệp Việt đang làm gì để khai thác tài nguyên dữ liệu?
Chia sẻ về tư duy dữ liệu trong việc xây dựng giải pháp, ông Thái Trí Hùng – Giám đốc công nghệ MoMo cho rằng, công nghệ hay dữ liệu phải là công cụ để phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp. Bộ phận quản lý dữ liệu phải có trách nhiệm giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của khách hàng. Đây là cách MoMo ứng dụng dữ liệu trong sản phẩm của mình.
MoMo hiện đang ứng dụng dữ liệu trong việc xác thực điện tử (eKYC), chấm điểm tín dụng và điểm tin cậy. Nhờ vây, ví điện tử này nâng cao được trải nghiệm khách hàng. Ví dụ trong trường hợp thanh toán lỗi, với những người có điểm tin cậy cao, MoMo sẵn sàng ứng trước để hoàn trả cho khách hàng vì biết rằng với điểm tin cậy cao, họ sẽ không lợi dụng nền tảng.
Theo ông Hùng, không phải cứ nhiều dữ liệu đã tốt, nó có thể tạo ra một đầm lầy dữ liệu (dataswamp) với cả những dữ liệu tốt và dữ liệu xấu, khiến người xử lý phải tìm cách gỡ rối. Chi phí cho hệ thống xử lý giao dịch của MoMo cỡ 1-2 triệu USD/năm. Trong khi chi phí cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu lên đến 2-4 triệu USD/năm. Do đó, nếu không xác định được đúng mục tiêu, thậm chí doanh nghiệp phải đối mặt với khả năng càng làm càng lỗ.
Từ kinh nghiệm của mình, CTO MoMo cho rằng, dữ liệu là dầu mỏ, nhưng thông tin mới là xăng để doanh nghiệp hoạt động. Để ứng dụng dữ liệu hiệu quả, chúng ta có thể suy đoán vấn đề dựa trên kinh nghiệm, sau đó dùng dữ liệu để hỗ trợ việc ra quyết định bằng cách loại bỏ những giả định sai lầm.
Chia sẻ một góc nhìn khác, ông Huỳnh Long Thủy – Tổng Giám đốc Vieon cho biết, là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT, gần như mọi hoạt động của Vieon đều dựa trên dữ liệu.
Theo Tổng Giám đốc Vieon, trong vấn đề xử lý dữ liệu, sự nhạy bén, cảm nhận của người làm kinh doanh là vấn đề rất quan trọng. Khi có nhiều dữ liệu, doanh nghiệp sẽ cần có một đội ngũ biết cách kể câu chuyện của những dữ liệu này.
Ông Thuỷ cũng lưu ý về việc cần sử dụng “social listening” để thu thập ý kiến trên mạng xã hội, từ đó lắng nghe các phản hồi của người dùng. Nhờ các công cụ này, doanh nghiệp sẽ có thể cải thiện sản phẩm và ngay lập tức nhận biết về vấn đề để khắc phục khủng hoảng từ trước khi thông tin bùng nổ.