Chia sẻ trên được các chuyên gia đưa ra tại phiên thảo luận “Khai phá công nghệ mới trong lĩnh vực công và tư cho nền kinh tế tương lai”, trong khuôn khổ Ngày hội công nghệ với chủ đề “Ứng dụng công nghệ mới để kiến tạo nền kinh tế mới”, được tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Công nghệ mới thay đổi rất nhanh
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc văn phòng phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, cách đây 6 năm, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, còn rất non trẻ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, báo cáo từ nhiều tổ chức uy tín thế giới đều xếp Việt Nam nằm trong nhóm năng động của khu vực.
Năm 2023, theo tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố trong báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Trong năm 2023, Chính phủ đã quan tâm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhanh chóng. Cụ thể, Chính phủ đã cải thiện nhiều chính sách, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để ứng dụng nhanh công nghệ mới.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, vòng đời công nghệ đang thay đổi rất nhanh. Chẳng hạn như chiếc iPhone của Apple, vòng đời thương mại là 1 năm nhưng vòng đời công nghệ bên trong thực ra chỉ có 6 tháng. Thách thức của Việt Nam là nguồn lực đâu có thể nhắm đến, theo kịp tốc độ đổi mới sáng tạo đó.
Bộ Khoa học Công nghệ đã có hướng tiếp cận dung dị. Khoa học công nghệ là đào tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo là chuyển tri thức thành tiền.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, công nghệ thế giới thay đổi rất nhiều. Nếu khoa học công nghệ mà không chuyển đổi được thành tiền thì chỉ mãi như cái hộp được khóa kín, không làm được gì, hoặc phải chờ rất lâu nữa mới có thể tạo ra được kinh tế.
Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance Việt Nam cũng cho rằng, nếu là công nghệ nói chung Việt Nam có thể xuất phát điểm chậm hơn thế giới. Nhưng may mắn là với công nghệ mới như GenAI, Blockchain, thời cuộc đã đặt Việt Nam xuất phát điểm cùng thế giới, cơ hội được chia đều cho tất cả.
Riêng trong lĩnh vực Blockchain, có thể tự tin rằng Việt Nam đã có một khởi động tốt, khi có những dự án dẫn dắt xu hướng toàn cầu. Ví dụ: Sky Mavis, cha đẻ của gamefi nổi tiếng Axie Infinity, từng được xem là kỳ lân của Việt Nam, chưa đầy 3 năm đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD, có 3/5 sáng lập là người Việt.
Tuy nhiên, theo bà Lynn Hoàng, cần phải thẳng thắn với nhau rằng, công nghệ, đặc biệt công nghệ mới thay đổi rất nhanh. Việt Nam có vị thế khởi đầu tốt nhưng để cạnh tranh lâu dài, cần một chiến lược dài hơi từ cả doanh nghiệp đến định hướng của Chính phủ.
Doanh nghiệp Việt lười ứng dụng công nghệ
Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc điều hành TMA Innovation cho biết, có một nghịch lý ở Việt Nam, đó là có nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công nghệ, trong đó có các công nghệ mới như AI, Blockchain ra thị trường thế giới, nhưng các doanh nghiệp trong nước lại ứng dụng các công nghệ này rất chậm.
Các doanh nghiệp Việt Nam đều có tâm lý trì hoãn, chỉ thay đổi khi có khủng hoảng xảy ra. Dù phát triển công nghệ và có thể tự tin bắt kịp với thế giới, nhưng hiện doanh nghiệp Việt chưa thật sự tận dụng được lợi ích của công nghệ mới để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Chẳng hạn như với smart camera, TMA đã cung cấp cho nhiều nhà máy, toà nhà, giám sát 24/24, chỉ cần thêm một chip AI là có thể tự động phân tích video, phát hiện bất thường và không cần nhiều người vận hành. Nhưng trong khi TMA đang hợp tác và triển khai cho đối tác tại Úc thì ở Việt Nam vẫn rất ít bên sử dụng, mặc dù nó có thể ứng dụng được trong cả lĩnh vực công lẫn tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường, cũng chia sẻ, từ góc độ quản lý, hay các hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước, có thể nói là doanh nghiệp của Việt Nam rất lười ứng dụng công nghệ mới.
Theo bà Lynn Hoàng, ở đây vấn đề thời điểm rất quan trọng, có nên đổi mới, ứng dụng công nghệ mới hay không là câu hỏi quan trọng doanh nghiệp cần đặt ra mỗi ngày. Các công nghệ mới như Blockchain, AI, Việt Nam đang đi đúng thời điểm, ngang bằng với thế giới, nhưng để tăng tốc và giữ vững được hay không còn liên quan cả đến câu chuyện chính sách để thúc đẩy phát triển.
Chẳng hạn, bản thân các công ty Blockchain hiện nay đang đi tìm sự giao thoa giữa tiến bộ công nghệ và chính sách. Công nghệ mới đang đi nhanh hơn chính sách nên các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đang đi tìm điểm giao thoa đó để cân bằng. Các quốc gia đang tìm ra chính sách phù hợp cho các công nghệ mới này, Việt Nam vẫn trong giai đoạn quan sát, đây cũng là điều tốt khi chưa có các chuẩn hóa nhất định. Bà Lynn Hoàng hy vọng sắp tới sẽ có một hành lang pháp lý rõ ràng cho các công nghệ mới tại Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Viết Huân, CTO Son Kim Group & President CIO Vietnam cũng cho rằng, chính sách và nền tảng đóng vai trò quan trọng. Năm 2008, khi đang làm IBM, ông cùng đồng nghiệp đã triển khai công nghệ máy điện toán đám mây đầu tiên ở Việt Nam, một năm sau tại sự kiện chia sẻ kinh nghiệm ở Thái Lan, khi nghe các chuyên gia nước bạn trình bày ông đã nói thẳng rằng, Việt Nam đi nhanh hơn nhưng nền tảng không vững bằng các nước trong khu vực. Kết quả đến nay, Thái Lan đã đi rất nhanh và Việt Nam vẫn tụt hậu xa với thế giới trong lĩnh vực điện toán đám mây.