Chiều 30/10, Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc với sự tham gia của hơn 200 đại diện doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam và đa quốc gia.
Diễn đàn có chủ đề “Tập đoàn và Doanh nghiệp dẫn dắt Đổi mới sáng tạo Mở” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), BambuUP và Global PR Hub đồng tổ chức.
Bức tranh đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam
Trong phần tham luận “Bức tranh và xu hướng Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”, bà Đỗ Hà, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia cho rằng, thực trạng đổi mới của doanh nghiệp Việt hiện nay đang xoay quanh vấn đề nguồn lực và kỳ vọng.
“Chỉ có 27% nhân viên có kiến thức về đổi mới sáng tạo và 38% doanh nghiệp có ngân sách xác định cho các chương trình đổi mới. Trong khi đó, có đến 45% lãnh đạo các công ty cam kết và đồng hành cùng với đổi mới sáng tạo và 86% công ty mong muốn có những bước chuyển rõ rệt như chuyển đổi hệ thống hoặc tạo ra sản phẩm mới”, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia chia sẻ.
Thống kê của KPMG Việt Nam cho thấy, 77% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho biết họ muốn đổi mới sáng tạo để tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Trong đó, những công nghệ được quan tâm nhiều nhất là trí tuệ nhân tạo, robotics, thị giác máy tính, điện toán biên.
Theo bà Đỗ Hà, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cược toàn bộ vốn của mình vào nghiên cứu sáng tạo để tìm ra ý tưởng đột phá. Cách làm này không sai nhưng mới chỉ đi vào một khía cạnh của vấn đề, trong khi kế hoạch đổi mới của doanh nghiệp quá rộng và nhiều bên chưa thực sự hiểu thế nào là đổi mới sáng tạo.
Trên thực tế, tuy nhiều lãnh đạo cam kết đồng hành cùng đổi mới sáng tạo, chỉ 38% các doanh nghiệp có ngân sách cho hoạt động này, tuy nhiên, hành động cụ thể còn yếu. “Tiếng nói của người làm R&D còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp giao cho cán bộ trẻ làm R&D vì họ có tư duy mới, nhưng những người này lại không có vai trò lớn trong công ty”, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia cho biết.
Đổi mới sáng tạo là một quá trình lặp đi lặp lại, cần sự tham gia của rất nhiều bên liên quan. Do vậy, Việt Nam cần có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các trường đại học, doanh nghiệp startup, chuyên gia, khách hàng. Khi đó, đầu ra của đổi mới sáng tạo sẽ là các sản phẩm dịch vụ hoặc giải pháp, mô hình kinh doanh mới.
Để quá trình đổi mới sáng tạo thuận lợi hơn, các doanh nghiệp Việt nên tham khảo những xu hướng công nghệ mới như chuyển đổi số, lấy người dùng làm trung tâm, phi tập trung (đổi mới sáng tạo ở ngay chính các phòng ban) và đổi mới sáng tạo mở (không chỉ làm trong nội bộ mà đổi mới cả hệ sinh thái).
Doanh nghiệp Việt thích ứng với đổi mới sáng tạo mở
Tại diễn đàn, các chuyên gia từ các tập đoàn, doanh nghiệp cũng đã có những chia sẻ về câu chuyện thành công, cũng như những khó khăn, thách thức gặp phải trong quá trình đổi mới sáng tạo.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUP, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Giải pháp cho vấn đề này chính là đổi mới sáng tạo mở. Hiểu nôm na là tận dụng nguồn lực bên ngoài để tìm đối tác hợp tác làm đổi mới sáng tạo, từ đó giải bài toán của doanh nghiệp mình.
Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Trần Kiên, Phó Tổng giám đốc Advantech Việt Nam cho rằng, với một doanh nghiệp đang kinh doanh thành công, việc chuyển đổi sang lĩnh vực mới là quyết định vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Kiên dù khó nhưng các doanh nghiệp vẫn phải làm bởi trong 1 đến 2 thập kỷ tới, sẽ có những sự thay đổi rất nhanh về công nghệ.
Lãnh đạo một công ty chuyên phát triển sản phẩm mới, ông Nguyễn Thế Duy - Phó Chủ tịch ADT Global Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này hiện gặp khó khăn trong việc xây dựng, định hình sản phẩm khi ứng dụng các công nghệ mới trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR). Nhiều sản phẩm công ty đã làm cho đối tác nước ngoài nhưng phải đem “cất kho” vì thị trường trong nước chưa sẵn sàng.
“Sau dịch Covid-19, do kinh tế khó khăn, chi phí để các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ đã hạn hẹp đi rất nhiều. Khi gặp các chủ doanh nghiệp Việt Nam, rất khó để chúng tôi thuyết phục, giải thích họ đầu tư cho các sản phẩm mới”, ông Duy nói.
Một trong những câu chuyện gây ấn tượng mạnh là quá trình chuyển đổi số nhờ đổi mới sáng tạo của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông - một doanh nghiệp sản xuất truyền thống được thành lập từ năm 1961.
Theo ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Rạng Đông, trong thời đại hiện nay, doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực thích ứng, muốn mở rộng không gian tăng trưởng thì chỉ có cách dựa vào đổi mới sáng tạo.
Nhận thức được điều này, từ năm 2011, Rạng Đông đã hình thành 3 trung tâm nghiên cứu về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới, cụ thể là mô hình kinh doanh số.
Đây là nơi các nhà khoa học phát triển ý tưởng, là nơi để Rạng Đông tiếp thu tri thức bên ngoài và thẩm thấu vào bên trong doanh nghiệp. Đây cũng là nơi đồng sáng tạo của Rạng Đông với các đối tác bên ngoài như các trường đại học, viện hàn lâm, các đối tác công nghệ trong nước và quốc tế nhằm cộng hưởng sự sáng tạo.
“Tại Rạng Đông, chúng tôi có các đội nhóm linh hoạt, được phân quyền cao, khoán chi phí để thực hiện nhiệm vụ thách thức”, ông Đoàn Kết chia sẻ. Nhờ sở hữu hệ thống sản xuất thông minh, mặc dù đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch, Rạng Đông vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 20% mỗi năm, với năng suất lao động tăng gấp 4-5 lần.