Kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng của xã hội suy giảm sâu, nhiều lao động bị mất việc làm, bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng cao, tín dụng thiết chặt, nợ xấu ngân hàng tăng, trái phiếu doanh nghiệp như cục máu đông. Đúng là khó khăn bủa vây tứ bề.
Giữa những tin xấu, giữa những lời kêu ca, than vãn tràn ngập trên báo chí, trên các kênh truyền thông và mạng xã hội, tôi hồi tưởng lại những giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây để tìm hiểu xem chúng ta đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế như thế nào?
Còn nhớ giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-2000, toàn bộ các thành phố lớn Hồng Kong, Seoul, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta, Malina, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội không còn sức sống, các công trình xây dựng dừng thi công, chỉ một màu xi măng xám xịt, toàn bộ các biển quảng cáo ở các sân bay, nhà ga, trên nóc nhà cao tầng, hai bên đường chỉ còn trơ lại khung sắt.
Vâng, giữa bối cảnh bi đát ấy, mùa hè năm 1998, anh Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT- PV) đã tổ chức hội nghị chiến lược FPT mang tên “Diên Hồng” và chính tại "hội nghị Diên Hồng” này đã ra quyết định chiến lược xuất khẩu phần mềm.
Anh Trương Gia Bình trực tiếp làm tư lệnh, giao ấn kiếm tiên phong vào tay anh Nguyễn Thành Nam (Khi đó là TGĐ Tập đoàn FPT- PV), một quyết định mà phải 10, 15, 20 năm sau mới thấy hết giá trị to lớn của nó, một quyết định mà năm 2023 này sẽ mang lại doanh thu một tỷ đô la từ nước ngoài về cho FPT và cho Việt Nam, tạo ra 27.000 công ăn việc làm trong lĩnh vực phần mềm, đưa hình ảnh FPT và Việt Nam đến 29 quốc gia trên khắp toàn cầu.
Còn nhớ giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2012, hệ thống ngân hàng bị sụp đổ với việc phá sản, sát nhập, giải thể của nhiều ngân hàng, tín dụng đóng băng, sụt giá chứng khoán, mất giá tiền tệ ở qui mô lớn, lãi suất tăng cao khủng khiếp, trần lãi suất huy động của NHNN lên đến 14%, lãi suất cho vay thực tế lên đến trên 20%.
Vâng, chính giữa đỉnh điểm suy thoái ấy, Tạ Sơn Tùng, Phan Thế Dũng những chàng trai mới vừa tròn 24 tuổi, mới tốt nghiệp đại học, vừa mới gia nhập FPT Software có 8 tháng, cùng 4 bạn trẻ khác đã khởi nghiệp bằng việc thành lập công ty Rikkeisoft, với định hướng làm phần mềm chuyên cho thị trường Nhật Bản.
Giờ đây Rikkeisoft đã có qui mô 1.600 nhân viên, 100% doanh số từ thị trường Nhật Bản và vừa mới đây Rikkeisoft quyết định tiến sang Mỹ bằng việc thành lập công ty con RKTech có trụ sở ở Houston (Taxas) với khát vọng xây dựng một công ty phần mềm có giá trị tỷ đô la ở Mỹ.
Việc ra đời giữa giai đoạn suy thoái kinh tế, đầy rẫy khó khăn của FPT Software và Rikkeisoft rồi sau đó phát triển mạnh mẽ nhờ thị trường quốc tế đã minh chứng rất hùng hồn về vai trò và tầm nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam.
Họ là những người dù khó khăn đến đâu cũng không than vãn, không kêu ca, họ trầm tĩnh để nhìn ra những cơ hội giữa vô vàn khó khăn. Dù có khó khăn đến đâu họ vẫn tìm được lối ra, dù là ở giữa đường hầm tăm tối thì họ vẫn tìm ra ánh sáng le lói ở cuối đường hầm.
Điểm quan trọng nữa của người lãnh đạo doanh nghiệp là họ đã sáng suốt ra những quyết định đúng đắn ở những thời điểm then chốt và kiên trì, kiên định thực hiện đúng chiến lược và mục tiêu đã chọn.
Ở thời điểm thành lập FPT 1988, anh Trương Gia Bình 32 tuổi, anh Nguyễn Thành Nam 27 tuổi (thế hệ khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam phải trải qua 5-6 năm chờ Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường). Còn ở thời điểm thành lập Rikkisoft năm 2012, Tạ Sơn Tùng và Phan Thế Dũng mới 24 tuổi.
Chính vì thế, tôi tin tưởng sâu sắc rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam do các doanh nhân 9x, Gen Z khởi nghiệp giữa giai đoạn suy thoái kinh tế này, sau đó tiếp tục phát triển mạnh mẽ như FPT Software và Rikkeisoft trong hai giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây. Và chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vững vàng vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế này để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Lẽ tất nhiên Việt Nam chúng ta sẽ lại tiếp tục quay lại chu kỳ tăng trưởng kinh tế cao một cách “kỳ diệu” như nhiều lãnh đạo các cường quốc kinh tế thế giới đã đánh giá trước đây.
Đỗ Cao Bảo (Thành viên Hội đồng sáng lập Tập đoàn FPT)