Trỗi dậy 

Sau Movenpick Resort Phan Thiết tại Bình Thuận, sắp tới đây Bình Định có resort 5 sao quốc tế Marriott International đầu tiên. Tại Quảng Bình, Dolce Penisola Quảng Bình là tổ hợp căn hộ khách sạn 6 sao. Sự xuất hiện của các thương hiệu quản lý khách sạn tiêu chuẩn quốc tế được kỳ vọng sẽ là thỏi nam châm thu hút dòng du khách cao cấp trong nước và nước ngoài vào các điểm đến miền Trung. 

Sau Đà Nẵng, Nha Trang, các điểm du lịch mới của miền Trung đang trỗi dậy mạnh mẽ. Báo cáo của Sở Du lịch Bình Định cho biết, lượng khách du lịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 ước đạt 123.000 lượt. Tổng doanh thu ước đạt 615 tỷ đồng, tăng 150% so với năm 2019. 

Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL Phú Yên, lượng khách du lịch đến Phú Yên từ ngày 1-4/9 ước đạt 34.500 lượt, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 23.000 lượt.

Còn Sở VH-TT&DL Bình Thuận cho hay, dịp nghỉ lễ 2/9 địa phương đón khoảng 45.000 lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú và nghỉ dưỡng, tăng hơn 15,4% so với năm 2019, trong đó có khoảng 2.000 lượt khách quốc tế. Năm 2022, Bình Thuận đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 220.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure, đơn vị khai thác tour hang động Sơn Đoòng (Quảng Bình), cho biết, khách đã đặt 700 chỗ cho chương trình 2023, với 70% là khách ngoại quốc. 

Năm 2022 đánh dấu giai đoạn phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau 2 năm “đóng băng” do đại dịch. Tần suất chuyến bay nội địa đã quay trở lại mức năm 2019. Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và thậm chí tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.

Các hãng hàng không tại Việt Nam đã chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ và mở rộng đường bay tại các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Đây là một tín hiệu khả quan trong bối cảnh thị trường quốc tế có tốc độ hồi phục chậm do nhiều quốc gia, khu vực vẫn đang áp dụng các quy định hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch.

Sự quan tâm tới các điểm đến mới ở miền Trung ngày càng tăng. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam vừa công bố, Bình Thuận đứng đầu mức độ quan tâm của các nhà đầu tư. Kết quả khảo sát mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cho thấy, Bình Thuận chiếm 58%, trên cả Bà Rịa - Vũng Tàu (chiếm 44%), tiếp sau đó mới đến Quảng Nam (14%).

Điểm đến hàng đầu

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - đánh giá, du lịch miền Trung sẽ bùng nổ trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Bình Định, Quy Nhơn sẽ là khu du lịch đẳng cấp quốc tế và Bình Định sẽ là điểm đến hàng đầu của châu Á. 

Tại Khánh Hòa, toàn bộ cả một vùng Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang... có khí thế phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy về du lịch, ở đẳng cấp hàng đầu thế giới. Đây là trung tâm của tiểu vùng duyên hải phía Nam từ Phú Yên trở vào trong. Ngoài ra, khu vực Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cũng có xu thế rất phát triển.

Nhiều hoạt động thu hút du lịch tại Bình Thuận. (Ảnh: Nam Vinh)

“Dự báo doanh thu du lịch năm 2024 sẽ vượt mức doanh thu vào năm 2019 - trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó, cần đặt điểm nhấn du lịch vào khu vực Duyên hải miền Trung”, ông Thiên nói.

Đánh giá về triển vọng, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) được xem là một trong những khu du lịch truyền thống gắn liền với đô thị. Nhìn tổng thể, một số khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn chính là một trong những lợi thế cạnh tranh của đất nước. 

Cả một dải đất với bờ biển đi qua rất sát sườn với đô thị, thời lượng có nắng rất cao, tiềm năng khai thác lớn là điểm thuận lợi để khu vực biển miền Trung. Các đô thị, thành phố này gắn liền với sự phát triển cũng như sự hình thành các khu du lịch.

Nhìn một cách tổng thể, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km và tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong thời gian qua rất lớn, thông qua các chỉ số về lượng khách nội địa và quốc tế. Theo ông Khương, cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp “không khói”. 

“Nếu Chính phủ cũng như Tổng cục Du lịch và các bên liên quan, các nhà đầu tư có một tầm nhìn dài hạn hơn, sát sườn hơn thì Việt Nam không thua gì Thái Lan và các nước trong khu vực. Những khu nghỉ dưỡng Việt Nam không thua gì các nước ASEAN hay thế giới - đây là cơ hội đem về rất nhiều ngoại tệ cho quốc gia”, ông Khương nói.

Đừng để 'thiên đường' du lịch Phú Quốc tê liệt, xơ xácNói về sự phát triển của Phú Quốc, chuyên gia cho rằng nếu một đô thị chỉ phát triển thuần du lịch thì rất mong manh, đại dịch đã chứng minh điều đó. Ví như Đà Nẵng là thành phố thuần du lịch, sau tác động của đại dịch gần như tê liệt, xơ xác.