Thông tin trên được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra tại Hội thảo giao ban công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình giữa Bộ TT&TT và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình năm 2023, được tổ chức chiều 13/10 tại TP.HCM.
Theo ông Lê Quang Tự Do, tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã làm việc với khối đài phát thanh, truyền hình để tháo gỡ khó khăn khi doanh thu quảng cáo của khối này sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết so với khối đài thì khối truyền hình trả tiền vẫn cầm cự tốt, đạt tăng trưởng 1,4%, thuê bao truyền hình trả tiền đạt 18,6 triệu, tăng 12%. Đáng chú ý, ở khối này bắt đầu có sự tham gia chính thức của các nền tảng xuyên biên giới khi ngày 28/4, Netflix đã nộp hồ sơ xin cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Theo ông Bùi Huy Cường, Phòng quản lý dịch vụ, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình quảng bá có 2 doanh nghiệp tham gia là truyền hình số miền Bắc (DTV) đang phát tại 15 địa phương với 12 kênh và truyền hình số miền Nam (SDTV) đang phát tại 30 tỉnh, thành phố với số lượng 12-16 kênh. Các đài này cung cấp các kênh quảng bá trong nước, có doanh thu 50 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, truyền hình trả tiền hiện có 35 doanh nghiệp tham gia, cung cấp từ 1-4 loại hình dịch vụ trong phạm vi 1 tỉnh, thành hoặc toàn quốc. Nội dung đa dạng, phong phú gồm cả kênh trong nước, kênh thiết yếu quốc gia, kênh quảng bá, kênh nước ngoài, kênh theo yêu cầu (VOD), doanh thu thị trường xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Về Truyền hình số quốc gia, Bộ TT&TT đang thúc đẩy VTVGo trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia với nội dung đa dạng, kênh thiết yếu quốc gia, kênh thiết yếu địa phương, các chương trình theo nhu cầu giải trí. Bộ TT&TT đã làm việc với các hãng TV để đưa ứng dụng VTVGo lên các kho ứng dụng TV, gắn phím cứng trên điều khiển TV, quy định TV bán ra trên thị trường phải cài đặt sẵn VTVGo.
Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, số doanh nghiệp cung cấp truyền hình truyền thống của Việt Nam từ năm 2019 đến nay không có nhiều biến động khi chỉ 2 doanh nghiệp dừng hoạt động. Trong khi đó, ở lĩnh vực OTT TV lại có sự biến động mạnh.
Có 21 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này nhưng thời gian qua, 4 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, 2 doanh nghiệp chuyển sang cung cấp truyền hình theo yêu cầu. Doanh thu dịch vụ truyền hình truyền thống cũng không có nhiều biến động, trong khi doanh thu từ dịch vụ truyền hình OTT tăng trưởng mạnh nhưng đang chững lại.
Theo ông Bùi Duy Cường, để phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình cần thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, vận hành dịch vụ để có thể kịp thời thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Doanh nghiệp cần quan tâm tới việc đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao khách hàng; liên tục khảo sát khách hàng, hình thành các gói dịch vụ phù hợp với thị hiếu khán giả, có giá cả cạnh tranh nhưng đảm bảo không thấp hơn giá thành; có sự phối kết hợp trong việc bảo vệ bản quyền nội dung trên không gian mạng; hình thành cơ chế phối hợp để cùng mua sự kiện thể thao lớn; tăng cường liên doanh, liên kết trong khuôn khổ pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động Hiệp hội, thúc đẩy Hiệp hội trở thành tổ chức mạnh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các thành viên; đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát hoạt động trên thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh.