Theo báo cáo tài chính, năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Lãi sau thuế năm 2022 tăng gấp 7,7 lần so với năm trước đó, lên 3.637 tỷ đồng.
Tổng lợi sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2022 của Prudential Việt Nam tăng lên mức 12.377 tỷ đồng.
Dai-ichi Life Việt Nam đứng thứ 2 về lợi nhuận sau thuế nhưng lại giảm so với năm trước đó. Trong năm 2022, Dai-ichi Life Việt Nam ghi nhận lãi giảm 5,1% xuống còn 2.646 tỷ đồng.
Manulife Việt Nam gây bất ngờ với cú lội ngược dòng ngoạn mục, lãi 2.562 tỷ đồng trong năm ngoái, trái ngược với khoản lỗ 4.741 tỷ đồng trong năm 2021. Dù vậy, doanh nghiệp này còn lỗ luỹ kế chưa phân phối tính tới cuối năm 2022 đạt hơn 5.526 tỷ đồng (so với mức lỗ lũy kế 7.960 tỷ đồng vào cuối năm 2021). Nguồn vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2022 còn 16.947 tỷ đồng.
Bảo hiểm AIA ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 24,6% so với năm trước đó.
Bảo Việt Nhân thọ (Bảo Việt Life) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 11,4% lên 975 tỷ đồng trong năm 2022.
Như vậy, trong năm 2022, Prudential, Manulife có lợi nhuận tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, Dai-ichi, Bảo Việt Life và AIA biến động nhẹ so với năm trước.
Trong một báo cáo hồi tháng 3, theo Mirae Asset Việt Nam, giai đoạn 2015- 2022, thị phần doanh thu của Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy trì khá ổn định, bao gồm Bảo Việt Life, Dai-ichi, Prudential, Manulife, AIA. Nhóm này giữ khoảng cách xa so với phần còn lại.
Còn theo báo cáo tài chính năm 2022, Bảo Việt Life ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm đạt 41.677 tỷ đồng. Xếp sau về thị phần là Prudential với 31.502 tỷ đồng. Manulife đứng thứ 3 với doanh thu phí bảo hiểm đạt 26.835 tỷ đồng. Dai-ichi Life ghi nhận doanh thu bảo hiểm năm 2022 là 21.825 tỷ đồng. AIA xếp cuối trong Top 5 với 17.808 tỷ đồng.
Về tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm trong năm 2022, Dai-ichi Life đứng đầu với 17,2%. AIA tăng 11,3%, trong khi Bảo Việt Life, Prudential và Manulife tăng trưởng lần lượt là 10,1%, 9,8% và 9,5%.
Trong vài năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Việc hợp tác với các ngân hàng để phân phối bảo hiểm (bancassurance) đã giúp doanh thu tăng mạnh, nhanh chóng vượt lên trên ngưỡng tỷ USD mỗi đơn vị.
Prudential hiện là đối tác phân phối độc quyền bảo hiểm thông qua những ngân hàng như MSB, SeABank, VIB. Dai-ichi Life hợp tác với SHB, Sacombank. Trong khi đó, Manulife bán bảo hiểm qua Techcombank, VietinBank. Còn AIA bắt tay với VPBank.
Với hàng chục triệu khách hàng của ngân hàng, đây là nguồn khách tiềm năng to lớn đối với các công ty bảo hiểm. Trong khi đó, việc hợp tác cũng giúp các ngân hàng có lợi. Hầu hết các công ty bảo hiểm phải chi trả một khoản tiền lớn cho các ngân hàng ngay khi ký hợp đồng. Số tiền còn lại được thanh toán dần qua các năm.
Hồi cuối năm 2020, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (CTG) và Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance). Giá trị của thương vụ không được tiết lộ, nhưng theo Bloomberg con số có thể lên tới vài trăm triệu USD.
Cũng vào cuối năm 2022, Ngân hàng ACB và Hãng Bảo hiểm Sun Life đã ký kết thỏa thuận tương tự. Theo đánh giá của VCBS, ACB nhận trước 370 triệu USD trong thương vụ hợp tác kéo dài 15 năm.
Trước đó, Vietcombank cũng đã có hợp tác với Hãng Bảo hiểm Hong Kong FWD. Khoản lợi ích được ước tính có thể đạt hơn 10.000 tỷ đồng trong 15 năm.
Theo báo cáo tài chính một số ngân hàng, hoạt động bán bảo hiểm trong vài năm gần đây là nguồn thu lớn nhất ngoài tín dụng, lên tới vài nghìn tỷ đồng/năm/ngân hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đẩy mạnh chi trả tiền lương cao, hoa hồng và khen thưởng lớn cho cộng tác viên, đại lý… để mở rộng quy mô.
Theo báo cáo 2022, lương nhân viên Manulife hơn 1 tỷ đồng/năm, vượt trội nhiều ngân hàng lớn (300-500 triệu đồng/người/năm). Đó là chưa kể gần 3.200 tỷ đồng chi phí hoa hồng và gần 4.200 tỷ tiền khen thưởng, hỗ trợ đại lý.