Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ vừa có buổi trò chuyện cùng sinh viên trường Cao đẳng Bách Khoa Nam Sài Gòn.
Tại đây, diễn giả trao đổi nhiều đề tài, bao gồm gìn giữ và phát triển văn hóa cội nguồn trong mỗi người trẻ, phát huy thói quen đọc sách nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 – năm 2024.
Theo Hồ Nhựt Quang, việc đọc là giá trị văn hóa từ xa xưa của ông cha. Anh dẫn chứng ở nhà cổ ông Kiệt ở làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, trên bức hoành phi giữa ngôi nhà có ba chữ “Thế thư hương” (tạm dịch: Dựa vào sách vở để hương danh).
"Người xưa có câu nói: Chừa lại cho con cả một rương vàng sao bằng ngồi xuống đọc cho con một quyển sách hay. Tức là vật chất hữu hình, vàng bạc kim tiền chỉ là phương tiện, sẽ vơi dần và mất đi nếu chúng ta không biết cách sử dụng đúng. Nhưng kiến thức sẽ làm cho ta có tâm hồn đẹp, có trí lực và thể lực mạnh mẽ", diễn giả chia sẻ.
Anh cho biết văn hóa đọc là chìa khoá giúp mỗi người có được phương thức tiếp cận kiến thức, tri thức tốt, từ đó có được nhiều kỹ năng, vốn sống.
"Chúng ta đọc một quyển sách hay giống như có thêm người bạn tốt và có thêm nhiều giải pháp để vững vàng trên đường đời. Tôi hay khuyên các bạn học sinh nên tìm tác phẩm phù hợp, đúng đắn như người bạn tốt để chơi cùng", anh nói thêm.
Trong buổi giao lưu, Hồ Nhựt Quang còn đưa ra nhiều quan điểm xây dựng giá trị mỗi con người. Trong đó, từng cá nhân nên chú trọng khám phá tài nguyên bản thân, bao gồm thời gian, năng lượng, kỹ năng, kiến thức, tư duy... Điều này giúp rèn luyện được tâm - thể - trí để có thể hoàn thiện, hòa nhập xã hội và tạo dựng được giá trị riêng biệt.
Diễn giả văn hóa dẫn chứng 2 trường hợp là Nhà văn - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân. Ông đã vượt lên số phận, nghịch cảnh bằng nghị lực phi thường để truyền lửa cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên cả nước bằng các xuất bản phẩm được tái bản rất nhiều lần.
Tương tự, GS Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người có công đầu trong việc đưa nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra ngoài biên giới quốc gia và nâng lên ngang tầm những nền âm nhạc cổ truyền của các nền văn minh thế giới.
Hơn nửa đời bôn ba đất khách, GS Trần Văn Khê chưa bao giờ quên mình là một người Việt. Ông luôn nói tiếng Nam bộ, sử dụng tiếng Việt, làm thơ, viết báo bằng tiếng mẹ đẻ. Đến ngày ra đi, Trần Văn Khê vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
GS.TS Trần Văn Khê từng có câu nói nổi tiếng: “Không ai có thể chọn chốn để sinh ra, không ai có thể bắt hoàn cảnh phải theo mình và mình phải biết tự thích nghi với hoàn cảnh”.
Qua 2 tấm gương trên, diễn giả Hồ Nhựt Quang cho rằng đó là bài học đáng trân quý với thế hệ trẻ. Cả nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký và Giáo sư Trần Văn Khê đều có hoàn cảnh, khó khăn song chưa bao giờ vơi đi tinh thần dân tộc. Họ luôn đau đáu lòng yêu nước, cội nguồn, khao khát được cống hiến với một mong mỏi sẽ giúp người trẻ thêm yêu, hiểu và phát triển văn hóa dân tộc đúng đắn.
“Văn hóa là nền tảng thúc đẩy nội lực bên trong mỗi người. Nếu học tập và lao động không bắt đầu từ văn hóa, bản sắc thì chúng ta sẽ lạc lõng, Các bạn cần ý thức khiếm khuyết điều gì để bổ sung, trau dồi. Trước là học tập, lao động tốt, sau là để phát huy tình yêu quê hương, đất nước đồng bào trong thời buổi hiện đại, hội nhập", anh chia sẻ.
Hàng trăm sinh viên bày tỏ hào hứng, thích thú với các nội dung được chia sẻ trong buổi tọa đàm. Sinh viên Võ Thị Nhã Linh nói buổi giao lưu giúp mình và các bạn có thêm kiến thức về văn hóa, kỹ năng mềm trên môi trường học đường. Đây cũng là nền tảng để các sinh viên thêm vững vàng khi bước ra xã hội làm việc, phát triển cuộc sống.
Hồ Nhựt Quang (sinh năm 1976, ở làng Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là một diễn giả văn hóa hoạt động sôi nổi và tích cực tại TP.HCM. Từ khi Giáo sư Trần Văn Khê qua đời cho đến nay, anh vẫn thay ông tiếp tục duy trì và phát triển Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ do chính cố Giáo sư thành lập, với sứ mệnh truyền bá và lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến thế hệ trẻ.