Clip: Quy trình nấu rượu đặc sản Hang Chú của người Mông ở Bắc Yên.
Hiện, xã Hang Chú có 10 bản với 30 hộ dân nấu rượu, trong đó bản Pá Cư Sáng có nhiều hộ dân theo nghề truyền thống độc đáo này nhất ở địa phương.
Ông Nếnh cho biết thêm, để nấu được loại rượu ngon này, bà con ở đây luôn phải chú trọng đến khâu nguyên liệu. Theo đó, thóc dùng nấu rượu được người dân tuyển chọn rất kỹ càng từ các nương ở vùng cao này. Loại thóc này có tên là “thóc mổ” được trồng trên bản. Loại thóc mổ này là loại thóc nương ta, tuy năng suất thu hoạch không cao nhưng thóc cho chất lượng rượu rất ngon.
Cụ thể, sau khi thóc được ủ mầm, người nấu bắt đầu luộc thóc trong khoảng thời gian 4-5 tiếng liên tục. Thóc được đảo liền tay để cho chín đều. Sau đó, bà con cho thóc ra vật đựng để cho nguội, rồi trộn men lá truyền thống vào trong thóc.
Nghề nấu rượu truyền thống đang mang lại thu nhập cao cho bà con ở Hang Chú. |
Ông Nếnh cho hay: Men lá được làm từ các loại lá cây trên rừng, có vị làm giải hàn cho cơ thể, có vị hóa phong trừ tà, làm giảm đau xương khớp,… tạo cho men là hỗn hợp của nhiều vị thuốc có tác dụng tốt cho cơ thể. "Để lấy được rượu ngon nhất bà con ở đây luôn để thóc lên men trong thời gian tối thiểu 20 ngày rồi mới mang vào nấu. Thông thường, một nồi rượu thóc 50kg nguyên liệu thì sẽ nấu trong thời gian 2 - 4 giờ đồng hồ, sản phẩm thu được là 20 lít rượu thóc ngon", ông Nếnh chia sẻ.
Nhờ được đầu tư thêm các cơ sở, thiết bị nấu hiện đại mà người dân Hang Chú nâng cao được năng suất và chất lượng rượu. |
Anh Giàng A Duẩn, một gia đình có nhiều đời theo nghề nấu rượu Hang Chú cho rằng: Nấu rượu Hang Chú cũng rất kỳ công, có những loại rượu thửa được nấu 2 lần. Lần 1 là lọc côt và khử tạp chất, lần thứ 2 là nấu cùng những loại lá thơm tạo hương vị riêng cho rượu. Vì thế, những lít rượu này luôn rất thơm ngon và êm dịu.
Được biết, trung bình mỗi năm gia đình anh Duẩn nếu được trên dưới 20.000 lít rượu Hang Chú với thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng. "Rượu thóc Hang Chú có vị ngọt đượm của thóc nương, mùi thơm của men lá, nồng độ rượu thóc và vị tinh khiết của nguồn nước Hang Chú, nếu ta có uống quá chén thì cũng sẽ chẳng bao giờ bị đau đầu, háo nước cả nên luôn được khách hàng rất thích và mua nhiều", anh Duẩn chia sẻ.
Sản phẩm rượu Hang Chú là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sơn La. |
Ông Nếnh thông tin thêm, vào năm 2014, các hộ dân tại Pá Cư Sang đã được đầu tư các vật dụng phục nấu rượu một cách đồng bộ hơn trước. Có thể nói, giờ đây nấu rượu thóc đã trở thành một nghề xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập chính cho đồng bào nơi đây. "Bên cạnh việc nấu rượu cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh, thành, bà con ở đây còn làm nghề truyền thống này để phục vụ khách du lịch khi đến "cổng trời" Tà Xùa. Trung bình, mỗi ngày, bà con đã cung cấp cho khách khoảng 500 lít rượu thóc, trừ tất cả các chi phí, thì thu nhập bình quân 1 hộ nấu rượu đạt khoảng trên dưới 10 triệu đồng/người/năm", ông Nếnh khẳng định.
(Theo Dân Việt)