Tọa đàm diễn ra ngày 26/5 tại Đường Sách TP.HCM, do Thái Hà Books và LANG THANG Community+ (nhóm phi lợi nhuận của các bạn trẻ yêu sách và mong muốn phát triển văn hóa đọc) tổ chức, với sự tham dự của sinh viên nhiều trường đại học.
Tại buổi chia sẻ, chị Mỹ Dung cho biết, khi mới bắt đầu dự án Văn hóa đọc Việt Nam, chị đã thử tìm hiểu về cách thức đọc sách, khuyến khích phát triển văn hóa đọc ở nhiều quốc gia. Điều bất ngờ là có những nước đã sử dụng các bài hát như công cụ nâng cao văn hóa đọc, có nơi kết hợp đọc sách với trò chơi để chống nhàm chán, buồn ngủ.
“Làm sao đọc sách cho vui? Thực ra, đọc sách không chỉ đọc ở nơi yên ắng mà vẫn có thể đọc ở chỗ ồn ào, trong không gian tập thể như đường sách, sân trường, nhà ga…”, chị Mỹ Dung nói.
Theo chị, xây dựng thói quen đọc sách giống như kết bạn, cần chất không cần lượng. Mặt khác, trí thông minh của chúng ta khác nhau, có người nghe tốt hơn đọc. Do vậy, văn hóa đọc không chỉ là cầm quyển sách mà có thể nghe sách nói, đọc sách điện tử…
Tuy nhiên, những người lỗi lạc thường chọn cuốn sách vật lý để đọc, lắng và chiêm nghiệm. “Ở Mỹ, mọi người đọc sách như ăn cơm uống nước hàng ngày. Hình ảnh đọc sách không có gì ghê gớm vì nó rất bình thường; họ đọc sách mọi nơi, trên tất cả thiết bị công nghệ”, chị Dung cho hay.
Lý giải về việc chủ động đọc và thụ động tiếp cận sách, chị Trần Thị Mỹ Dung cho biết, công nghệ chủ động đem đến thông tin nên ta thụ hưởng, điều này không mang lợi nhiều lợi ích. Còn khi cầm cuốn sách vật lý là bản thân chủ động lựa chọn nên sẽ tự chủ trong suy nghĩ của mình. Các doanh nhân nổi tiếng khuyến khích đọc sách xem như ăn cơm, uống nước vì sự nuôi dưỡng tâm hồn và tinh thần.
Trong khi đó, anh Vũ Duy Tùng - cựu quản lý dự án Văn hóa đọc Việt Nam cho rằng, không phải đọc bao nhiêu cuốn mà là bài học nhận được từ những trang sách mới là điều quan trọng. Cuộc đời mỗi cá nhân là cuốn sách lớn, nhưng một số người không đọc nó một cách cẩn thận. “Đọc cuốn sách đời mình, viết cuốn sách cho mình chính là thôi thúc khi tôi tham gia quản lý dự án Văn hóa đọc Việt Nam”, anh Tùng bày tỏ.
Trước ý kiến đọc sách gây buồn ngủ, anh Tùng cho rằng có thể đọc bằng phong cách rap. Ngay lập tức, anh thị phạm bằng cách đọc rap một đoạn văn trong buổi giao lưu cho mọi người thưởng thức.
Anh Vũ Duy Tùng nhận định rằng sách là công cụ giải quyết các nhu cầu của con người: “Mục tiêu tìm hiểu không thay đổi nhưng con người có thể thay đổi công cụ từ sách vật lý sang sách nói".
Đồng quan điểm về việc sách giúp giải quyết nhu cầu của độc giả, chị Trần Thị Mỹ Dung kể về một người bạn lúc ở trên giường bệnh mới đọc cuốn Minh triết trong ăn uống của phương Đông của tác giả Ngô Đức Vượng. “Bấy giờ, người bạn ấy ăn uống thất thường, thường xuyên thức khuya, ăn mì gói, sống thiếu khoa học, đổ bệnh bất ngờ. Như vậy, bệnh mới đọc rồi ngộ ra, điều chỉnh thói quen của mình. Cuốn sách khi đó giải quyết đúng vấn đề của bạn”, chị Dung nói.
Trong buổi chia sẻ, anh Nguyễn Hữu Phước, sáng lập LANG THANG Community+ đồng tình về việc khi có nhu cầu sẽ tìm đến sách - đó là văn hóa đọc, chứ không phải đọc quá nhiều mới là văn hóa đọc. Để kích thích mọi người đọc sách, anh Phước cho biết đã tạo một nhóm đọc sách đầu ngày. Các thành viên sẽ thức giấc vào 5h sáng để “nạp năng lượng” bằng những trang sách. Vượt qua thử thách bản thân, từ câu chuyện đọc sách đầu ngày, nhiều bạn đã hình thành thói quen cầm đọc một cuốn sách với niềm say mê thực sự.
Xoay quanh việc kết nhóm, nhập hội văn hóa đọc, các diễn giả thống nhất quan điểm đọc sách có thể thay đổi và chuyển hóa bản thân.
Các phương thức cổ vũ văn hóa đọc như sáng tác văn nghệ, điệu nhảy, trò chơi, kịch… cần được phát huy. Ngoài ra, việc sử dụng YouTube, Tiktok để đọc và giới thiệu sách giúp người trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều tác phẩm hay cũng là cách phát triển văn hóa đọc hiện nay.