Sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube… mang đến rất nhiều lợi ích cho mỗi người từ chuyện giao lưu kết nối với bạn bè đến kinh doanh trực tuyến, marketing online, quảng cáo,... thúc đẩy đời sống xã hội ngày càng phát triển hơn. Một lượng thông tin khổng lồ được tạo bởi người dùng, tương tác trực tuyến xuất hiện và tăng lên mỗi ngày.
Việc sử dụng và truy cập hàng ngày vào một mạng xã hội đã và đang trở thành một thói quen không thể thiếu đối với nhiều người dùng Internet. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra thách thức về mặt an toàn, bảo mật thông tin riêng tư. Đặc biệt là trong bối cảnh có hàng trăm vụ lộ lọt thông tin người dùng, hàng triệu vụ tấn công lừa đảo được thực hiện thông qua mạng xã hội được báo cáo hàng năm.
Nhà xuất bản TT&TT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT và các chuyên gia biên soạn, xuất bản cuốn sách An toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội nhằm cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản nhất về mạng xã hội, đặc biệt là nguy cơ, vấn đề an toàn thông tin.
Trong Chương 1 về Tổng quan về mạng xã hội và an toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội, độc giả sẽ được cung cấp bức tranh toàn cảnh về mạng xã hội tại Việt Nam với những thông số rõ ràng, đầy đủ.
Đáng chú ý là những nguy cơ rủi ro đối với người dùng mạnh xã hội được chỉ dẫn cụ thể như: nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý chủ yếu xảy ra do các tin giả hoặc lừa đảo; nguy cơ về tài chính tiền bạc xảy ra khi người dùng bị lừa đảo qua các kênh mạng xã hội dẫn tới chuyển tiền, mua hàng giả, đóng góp cho các hội nhóm giả danh cơ quan, tổ chức; nguy cơ về danh dự của bản thân và gia đình; nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội…
Bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội cũng là phần quan trọng của Chương 1 nêu ra 6 hình thức phổ biến về các nguy cơ xâm hại trên mạng mà trẻ em từ 11-16 tuổi gặp phải: tiếp cận với quá nhiều thông tin giả; dễ bị bắt nạt trên mạng; nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân khi tham gia trò chơi kết nối Internet; bị gạ gẫm về tình dục; dễ truy cập vào trang thông tin xấu độc, nguy hại thường được gửi kèm hoặc hiển thị trong game và phim ảnh; các em là đối tượng dễ bị dụ dỗ trên mạng xã hội.
Chương 2 tập trung vào Nguy cơ gây mất an toàn mạng xã hội và giải pháp phòng ngừa. Các nguy cơ, rủi ro an ninh mạng cũng ảnh hưởng đến an toàn mạng xã hội như virus, phần mềm độc hại; các dạng tấn công lừa đảo, giả mạo lấy cắp thông tin. Sau khi đi sâu phân tích về nguy cơ kèm những dẫn chứng xác thực, cuốn sách đã nhấn mạnh về giải pháp phòng ngừa. Cụ thể là: Tuân thủ quy định pháp luật và quy tắc cộng đồng (chính sách của các mạng xã hội); Các quy định về an toàn, an ninh mạng; vi phạm pháp luật; Cha mẹ kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của con; Loại bỏ nội dung xấu; gán nhãn những nội dung không phù hợp…
Xử lý, khắc phục sự cố an toàn mạng xã hội là nội dung chính của chương 3. Bắt đầu bằng dấu hiệu nhận biết của một số sự cố an toàn mạng xã hội thường gặp; tiếp đến là dẫn chứng về những sự kiện nổi bật có liên quan và cuối cùng là biện pháp xử lý. Có thể điểm qua một số biện pháp kỹ thuật hữu hiệu như sau: Xem xét hoạt động của tài khoản mạng xã hội; Xem xét thiết bị sử dụng để đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội; Chụp lại bằng chứng; Đổi mật khẩu; Bảo vệ tài khoản email.
Với cách viết ngắn gọn, minh họa cụ thể hy vọng cuốn sách An toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội sẽ giúp độc giả hình thành những kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng.