Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với thông điệp "Sách hay tìm bạn đọc”, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ra mắt cuốn sách Học, Đọc sách và Sáng tạo (Hay tư tưởng về phát triển con người) dạng cẩm nang, làm tài liệu tham khảo cho bạn đọc trong học tập, nghiên cứu và công việc.
Cuốn sách được nhóm tác giả gồm GS. Nguyễn Như Ý, TS. Trần Chí Đạt, TS. Võ Thế Quân và TS. Vũ Thùy Dương sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn hết sức công phu, tâm huyết với gần 400 trang.
Người đọc được dẫn dắt bởi một mạch cảm xúc xuyên suốt, mạch lạc tương ứng với 3 phần là những câu danh ngôn (hoặc có tính danh ngôn) của các nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà giáo dục các nước và Việt Nam nói về việc dạy và học, việc đọc sách, việc sáng tạo của con người.
Tại lễ ra mắt cuốn sách, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng với chủ đề "Sách hay tìm bạn đọc", NXB Thông tin và Truyền thông ra mắt cuốn sách Học, Đọc sách và Sáng tạo có ý nghĩa vô cùng lớn.
Theo Cục trưởng, với thời đại công nghệ số, người làm xuất bản phải nhanh nhạy để bắt kịp xu hướng, độc giả ở đâu, sách sẽ tới đó.
TS. Trần Chí Đạt - Giám đốc NXB TT&TT chia sẻ, khi biên soạn cuốn sách này, ban biên soạn gặp nhiều khó khăn trong việc tra tìm tên gốc hay tên nguyên ngữ của tác giả, nhất là tên viết bằng các hệ chữ viết cổ, cũng như việc tìm kiếm chính xác hành trạng (thể văn ghi chép lại đức hạnh, công trạng) của các tác giả sống vào các thời kỳ trước Công Nguyên, thời cổ đại.
“Càng đọc sâu, càng suy ngẫm, càng cảm nhận được rõ đây không chỉ là một ấn bản thông thường mà nó còn có ích cho mọi người đang sống trong nền kinh tế, giáo dục chia sẻ có các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, TS. Trần Chí Đạt bày tỏ.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo sau khi đọc cuốn sách nhận xét: “Sách học, Đọc sách và Sáng tạo đã cung cấp cho ta những kiến văn để phát triển năng lực 4C, đồng thời để phát triển năng lực 4H và 3KH.
4C gồm: Năng lực phản biện; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực sáng tạo.
4H là huấn đức của Bác Hồ cho một nhà trường trong thời kháng chiến: Học - Hỏi - Hiểu - Hành.
3KH là: Khỏe - Khôn - Khiêm.
Cuốn sách này sẽ góp phần truyền cảm hứng và thúc đẩy các nhà trường, các gia đình và mọi người ra sức tự học, ra sức giáo dục con em “Lập chí - Lập thân - Lập nghiệp” theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục”, PGS. TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
GS. Đinh Xuân Dũng cũng chia sẻ, đặc trưng của cuốn sách này không phải là những bài lý luận, phân tích chuyên sâu mà là chọn lọc những câu cô đọng nhất, ngắn gọn nhất; những câu đó như là châm ngôn nên ai đọc cuốn sách dù chỉ 1 câu thôi cũng tìm ra ý hay ở trong đó; có thể đọc cả cuốn sách để tìm ra những biện chứng từ việc học, việc đọc, việc sáng tạo.
“Cuốn sách lựa chọn được những danh ngôn từ cổ chí kim nhưng lại rất phù hợp với cuộc sống hiện tại và bất cứ ai cũng có thể đọc để tìm ra điều có ích cho bản thân mình. Cho nên độc giả của cuốn sách có thể là học sinh, sinh viên, nhưng cũng có thể là những nhà hoạch định chính sách… và lãnh đạo các cấp nên đọc để suy nghĩ, để định hướng cho tư duy, sáng tạo”, GS. Đinh Xuân Dũng nhận định.
Ảnh: Đức Huy