Xem clip
Show trình diễn những chiếc túi xách được chế tác hoàn toàn thủ công diễn ra tại Pháp ngày 17/3.
Xem đoạn clip trên, bạn có tin đó là các tác phẩm được tạo ra bởi 2 cô gái “tay ngang” không hề được đào tạo chuyên nghiệp về thiết kế thời trang?
Những chiếc túi được người mẫu nước ngoài trình diễn là các tác phẩm từ đồ jeans được tái chế nhờ đôi bàn tay khéo léo của 2 cô gái 9X đến từ Bắc Giang.
Nguyễn Thị Hải Yến bén duyên với nghề làm túi xách handmade từ thời sinh viên. Đam mê sáng tạo, Yến tự tìm hiểu và học qua mạng xã hội về cách may các sản phẩm từ vải. Cô thử dùng các vật liệu như vải bao bố, vải bạt… để làm nên những chiếc túi xách tay xinh xắn và được nhiều người yêu thích.
Tốt nghiệp đại học, Yến không ở lại Hà Nội làm việc đúng chuyên ngành mà trở về Bắc Giang để theo đuổi đam mê làm túi xách handmade. Cô phát hiện ra chất liệu vải jeans rất phù hợp để làm ra các mẫu túi. Dựa theo các họa tiết, mảng màu của đồ jeans cũ, Yến cắt, sắp xếp và may lại tạo nên các chi tiết riêng của từng chiếc túi.
“Vì là hàng handmade tái chế từ đồ jeans nên 90% sản phẩm tôi làm ra đều mang tính duy nhất. 10% sản phẩm túi là hàng limited (phiên bản giới hạn, chỉ sản xuất được với số lượng nhất định) cũng không thể giống nhau hoàn toàn về hình dáng”, Yến chia sẻ.
Nhận thấy tiềm năng từ việc sản xuất kinh doanh đồ handmade, Yến rủ Hà về phụ trách kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho mình. Khi đó, Hà đang làm trưởng phòng kinh doanh tại một công ty ở Hà Nội với mức lương 20 triệu đồng/tháng và đang theo học thạc sĩ chuyên về marketing.
Năm 2019, Hà theo chân cô bạn thân, từ bỏ công việc ổn định để về quê làm đồ handmade. Bạn bè xung quanh hiểu và đều ủng hộ quyết định của cô. Nhưng gia đình phản ứng dữ dội khi Hà từ bỏ công việc có thu nhập tốt và cuộc sống ổn định để về quê lập nghiệp.
“Cả 2 chúng tôi đều không phải là người chuyên nghiệp trong ngành thời trang, vì thế rất khó khăn để mang thương hiệu sản phẩm của mình ra thị trường. Khi quyết định về quê làm cùng Yến, quãng thời gian 2 năm đầu tiên gần như chúng tôi làm không có lương. Mọi thu nhập chỉ đủ cho sinh hoạt hàng ngày. Rất may chúng tôi lựa chọn khởi nghiệp ở quê nên chi phí không quá cao”, Hà nhớ lại.
Yến với kinh nghiệm sẵn có chịu trách nhiệm sản xuất, Hà phụ trách mảng kinh doanh. Ngày đêm 2 cô gái ngồi bên chiếc máy may cặm cụi tạo nên những chiếc túi xách tay từ đồ jeans cũ. Ban đầu, Hà và Yến bán sản phẩm làm ra với giá rẻ để xâm nhập thị trường.
“Lúc đó mỗi tháng chúng tôi bán ra chỉ được 20-30 túi. Giá mỗi chiếc từ 200-300.000 đồng. Với mục đích lấy công làm lãi, nhiều lúc tiền thu chỉ đủ cho 2 đứa sinh hoạt, không trả nổi tiền nhập nguyên vật liệu”, Hà nói.
Tuy nhiên, những khó khăn khi khởi nghiệp không khiến hai cô gái trẻ chùn bước. Yến với kinh nghiệm làm đồ handmade khá lâu đã tạo ra những sản phẩm túi xách có tính thẩm mỹ cao, họa tiết độc đáo dần dần được nhiều bạn bè trong nước thích thú đón nhận.
Bên cạnh nguồn quần áo jeans cũ được bạn bè và những người yêu môi trường thu gom gửi về, Hà và Yến còn kết hợp với một số công ty thời trang xử lý sản phẩm may lỗi của họ. Hoặc có những người biết tới cách làm của Yến và Hà đã chủ động liên lạc, gửi quần áo cũ của họ tới đề nghị may theo yêu cầu.
Từ một món đồ jeans cũ, Yến lên ý tưởng xem chất vải đó phù hợp với kiểu dáng mẫu túi nào, họa tiết nào được dùng là chính. Từ đó, cô tách mảnh vải chính ra, giặt sạch, ép phẳng rồi dựng phom, hoàn thành chiếc túi xách. Mỗi món đồ jeans cũ sẽ được tận dụng tối đa các chi tiết để tạo nên sản phẩm handmade độc đáo.
Với Yến, khó nhất và tốn công nhất chính là làm ra những chiếc túi đựng laptop chần hoa. Từng cánh hoa được cắt từ những mẩu vải jeans và ghép lại với nhau, may những đường chỉ tạo vân họa tiết. Mỗi chiếc túi bán ra với giá khoảng 1,5 triệu đồng và được nhiều người thích thú đón nhận.
“Làm sản phẩm nào mình cũng dồn hết tâm huyết vào đó. Nhưng để làm ra những chiếc túi chần hoa đựng laptop mất rất nhiều thời gian. Đây là những sản phẩm tâm đắc nhất, có tính thẩm mỹ cao nhất của mình”, Yến chia sẻ.
Những chiếc túi đựng laptop đa dạng về họa tiết luôn được người tiêu dùng yêu thích.
Dần dần, khi công việc sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, Yến và Hà mở xưởng sản xuất rộng 100m2, thuê nhân viên và công nhân may. Sau 4 năm khởi nghiệp, 10 nhân viên cơ sở sản xuất đồ handmade của Mèo Tôm Handmade có thu nhập trung bình từ 6 -10 triệu đồng/tháng tùy vị trí làm việc.
Hà và Yến đều nhận thấy, những chiếc túi thủ công làm từ đồ jeans cũ có chất lượng khá tốt, tính thẩm mỹ cao và được người nước ngoài, nhất là các nước phương Tây ưa chuộng hơn so với trong nước. Vậy là, họ quyết tâm đưa sản phẩm ra nước ngoài.
“Ở Việt Nam hiện có khá nhiều người làm đồ jeans tái chế. Chúng tôi xác định rằng mình không phải là người đầu tiên nhưng muốn mình là đơn vị tiên phong tái chế jeans chất lượng, sáng tạo, thẩm mỹ và lan tỏa tới cộng đồng”, Yến nói.
Năm 2020, một người Việt Nam tại Úc nhận làm đại lý cho Hà và Yến. Thế là lô hàng đầu tiên của Mèo Tôm Handmade được “xuất khẩu” ra nước ngoài. Sau lần đó, 2 nữ doanh nhân 9X mạnh dạn đầu tư mở rộng thị trường ra các nước châu Âu.
“Hiện nay, các sản phẩm của chúng tôi đã có mặt ở Mỹ, Pháp, Áo, Úc, Singapore... Các đại lý có mức tiêu thụ ổn định, mỗi tháng bán được khoảng 30-50 chiếc tại một thị trường. Ở kinh đô thời trang Pháp, thông qua một người Việt muốn phát triển thương hiệu túi handmade từ đồ jeans, chúng tôi đã có một gian hàng trong một trung tâm thương mại lớn.
Đó chính là cơ hội và thử thách lớn đối với chúng tôi, những người 'tay ngang' khởi nghiệp”, Hà nói.
Ảnh: Nhân vật cung cấp