XEM CLIP:

Thông tin từ đoàn cứu nạn quốc tế của Bộ Công an tại Thổ Nhĩ Kỳ, đến 10h ngày 11/2 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), công tác cứu nạn tại tòa nhà bị sập trên đường 531, Adiyamam Merkez (TP Adiyamam) đang thực hiện khẩn trường.

Theo đó, đoàn đã chia làm hai nhóm để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ. Nhóm thứ nhất do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an chỉ huy, trực tiếp cứu nạn tại hiện trường. 

Nhóm thứ hai do Đại tá Phan Mạnh Hà, Trưởng phòng Công tác Cứu nạn cứu hộ, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH chỉ huy, thực hiện việc sắp xếp các thiết bị, phương tiện và rà soát trang thiết bị y tế hỗ trợ cho nước bạn. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để thay ca cho nhóm thứ nhất. 

Lực lượng cứu nạn cứu hộ nhặt từng mảng bê tông để tìm cứu nạn nhân (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)
Các thiết bị chuyên dụng để cắt sắt được đưa vào sử dụng (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Theo sự sắp xếp của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), lực lượng cứu hộ Việt Nam được giao tìm kiếm tại khu vực được cho là đã vùi lấp 15 người sau trận động đất.

Các trang thiết bị hiện đại nhất để phục vụ cho công tác cứu nạn cứu hộ được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Việt Nam mang sang đang phát huy hiệu quả. 

Gầu máy xúc giữ cho phía trên của căn nhà không sập xuống để các chiến sỹ tìm kiếm nạn nhân  (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)
Tường và nhiều vật dụng của tòa nhà bị vỡ vụn sau trận động đất (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Các chiến sỹ trong đội cứu hộ cố gắng tìm kiếm 15 người bị vùi lấp trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập. Từng thanh thép, mảng bê tông được lật, rà soát với hy vọng tìm được người còn mắc kẹt bên trong. 

Rạng sáng cùng ngày, khi vừa đặt chân đến thực địa, Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng các chiến sỹ trong đoàn đã trinh sát tòa nhà bị đổ sập.

“Nếu như không có kế hoạch tỉ mỉ thì chính lực lượng cứu nạn, cứu hộ sẽ gặp nguy hiểm vì các tòa nhà đang trong trạng thái bị sập đổ và còn tiếp tục sập xuống”, đại diện đoàn công tác cho biết.

Khu lều, lán của các chiến sỹ cứu nạn cứu hộ Việt Nam (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)
(Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Không chỉ khó khăn trong công tác cứu nạn cứu hộ mà còn có thời tiết khắc nghiệt, giá rét âm 6 độ C và chênh lệch về múi giờ.

“Dù phải di chuyển liên tục trong nhiều giờ, không có thời gian nghỉ ngơi nhưng khi tiếp cận được hiện trường, chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ”, vị đại diện đoàn công tác nói.

Chiều 9/2, Bộ Công an đã tổ chức lễ xuất quân đội cứu nạn, cứu hộ lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới đang nỗ lực cứu nạn, cứu hộ như El Salvador, Hàn Quốc, Algieria, Nga, Iraq, Mexico...

“Bộ Công an đã lựa chọn những chiến sĩ, sĩ quan tinh nhuệ nhất, khỏe nhất, được đào tạo cơ bản, đã tham gia nhiều khóa tập luyện tại nước ngoài, sẵn sàng làm hết sức mình khi tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu nhấn mạnh tại buổi lễ xuất quân của đoàn công tác cứu nạn quốc tế Bộ Công an Việt Nam.