Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2022, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,86 triệu tấn (giảm 1,8% so với năm 2021), trong đó khai thác biển đạt 3,66 triệu tấn, khai thác nội địa 198 nghìn tấn.
Về tàu cá khai thác thủy sản, tính đến cuối năm 2022, số lượng tàu cá toàn quốc có 86.820 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6 – dưới 12m là 38.500 chiếc (chiếm 44,34%); tàu cá có chiều dài từ 12 – 15m 18.299 chiếc (chiếm 21,08%); tàu cá có chiều dài từ 15 – dưới 24m gồm 27.503 chiếc (chiếm 31,68%); tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên 2.588 chiếc (chiếm 2,9%).
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay cả nước có khoảng hơn 4.227 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên các vùng biển.
Các mô hình này thường gồm từ 5-10 tàu làm cùng nghề, cùng khai thác trên một ngư trường có mối quan hệ thân thuộc như cùng dòng họ, anh em hay cùng làng xã… liên kết hỗ trợ nhau trong thiên tai, rủi ro trên biển, hỗ trợ về thông tin ngư trường, vận chuyển sản phẩm khai thác vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu cho tàu còn khai thác ngoài biển…
Theo truyền thống, ngư dân vẫn thường thông tin cho nhau về ngư trường để đánh bắt, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm chi phí.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn lợi thủy sản giảm, thiên tai, chi phí đi biển tăng cao, những kinh nghiệm truyền thống của ngư dân không còn phát huy được hiệu quả như trước.
Bên cạnh đó là các khó khăn khi thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu; yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường; thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ; lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng,…
Vì thế, để khai thác hải sản đạt hiệu quả cao, việc xây dựng các kế hoạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đặc biệt việc phát báo các bản tin dự báo, cập nhật về các khu vực có khả năng tập trung cá (dự báo ngư trường) là vô cùng quan trọng đối với ngư dân.
Nâng cao độ chính xác và thường xuyên của dự báo ngư trường
Thời gian qua, hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành thủy sản đã được nhiều tỉnh thành trong cả nước quan tâm, ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện.
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại trong khai thác, trong đó có vấn đề nâng cao độ chính xác của dự báo ngư trường, không những giúp việc khai thác nguồn lợi hải sản hiệu quả, mà còn bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản cho tương lai.
Ngư dân khi tiếp cận được thông tin về ngư trường, phần nào đã thuận lợi hơn trong đánh bắt thủy sản, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả khai thác trên các vùng biển.
Công tác dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi hải sản đã được Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện từ những năm 1996, trong đó việc ứng dụng công nghệ vào công tác này được chú trọng nên các mô hình dự báo ngày càng được hoàn thiện, độ chính xác cao.
Tổng cục Thủy sản cho biết, sẽ tập trung tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương.
Song song với công tác này, sẽ nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường, đồng thời đổi mới phương thức phát hành, cung cấp các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận, biết và sử dụng trong sản xuất.
Đồng thời, làm tốt công tác phát hành các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản hạn mùa, hạn tháng cho nghề câu cá ngừ đại dương, rê, vây, chụp mực trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, muốn đem lại hiệu quả cao trong khai thác hải sản, ngoài đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, lực lượng lao động và năng lực quản lý phù hợp mà còn rất cần sự đóng góp của khoa học nghề cá, trong đó dự báo ngư trường khai thác là yêu cầu cấp thiết.
Công tác dự báo ngư trường cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để có thể đáp ứng yêu cầu thông tin từ thực tiễn sản xuất.
Ngoài ra, việc theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản nhằm chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và ngư dân về các quy định của việc đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá,... cũng góp phần đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả, phục vụ hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.