Người Chăm đã sáng tạo, xây dựng được nền văn hóa dân gian đặc sắc. Một trong những nét độc đáo đó là điệu múa dâng thần linh.
Ngày 28/5/2021 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 28 - KH/TW về việc thực hiện Kết luận số 76 - KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", trong đó xác định quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chú ý các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của địa phương.
Đây là cơ hội để tiếp tục bảo tồn và lan toả văn hoá phong phú đặc sắc của dân tộc Chăm.
Trong suốt bề dày lịch sử từ cuối TK II cho đến nay, người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hóa nghệ thuật vô cùng rực rỡ. Dọc dải đất đồng bằng duyên hải miền Trung nhiều di tích đền tháp cổ kính rất giá trị về mặt kiến trúc và điêu khắc tuyệt đẹp. Các khu đền tháp này vốn là những trung tâm tôn giáo và tâm linh của dân tộc Chăm.
Có thể nói, đối với người Chăm, trong quá khứ cũng như hiện tại, múa là linh hồn, là cuộc sống của cả cộng đồng, là một trong những bản sắc không thể thiếu của cư dân Chăm.
Theo nhà nghiên cứu Đổng Thành Danh, trong nghệ thuật Chăm không còn là một nghệ thuật mang yếu tố trình diễn đơn thuần, mà thoát tục trở thành nghệ thuật mang tính linh thiêng. Nghệ thuật ca múa nhạc trở thành cầu nối giữa thế giới trần tục với thế giới vô hình, là nơi truyền tải tư tưởng, tình cảm và khát vọng của con người với thần linh.
Theo thống kê, người Chăm có tất cả 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ và người Chăm có khoảng 75 bài hát lễ về các vị thần trong các lễ hội, những bài hát lễ này thường có kết cấu chung chia ra làm ba phần: phần mở đầu là hát thỉnh mời các thần, phần giữa là hát về tiểu sử, công trạng các vị thần và phần cuối hát tiễn các thần về thượng giới đồng thời cầu khấn, mong sự độ trì của các thần.
Các bài hát lễ này cũng được phân ra làm hai nhóm: các bài hát của thầy Kadhar thường được hát trong các nghi lễ ở đền tháp như Katé, Chabun, lễ Puis, Payak; và, các bài hát của thầy Maduen thường được hát trong các dịp lễ Raja như Raja Nagar, Raja Proang, Raja Harei, Raja Dayep
Chính vì tính chất linh thiêng của các bài hát lễ, mà người chủ lễ, người hát lễ trong các nghi lễ này là thầy Kadhar và thầy Maduen luôn là những vị chức sắc, với hệ thống phẩm cấp nhất định (đứng đầu hệ thống này là các Kadhar gru và Maduen gru), có trang phục riêng, phải kiêng cữ trong đời sống và thực hiện những nghi lễ khi muốn vào hệ thống hay lên cấp, lên chức.
Kèm theo các bài hát là các nhạc cụ, cấu thành hệ thống nhạc lễ Chăm, trong đó, đàn Rabap thường do thầy Kadhar sử dụng và trở thành vật tổ của hệ phái Kadhar, trong khi trống Baranang thường do thầy Maduen vỗ trong các nghi lễ, nên trở thành vật tổ của thầy Maduen thường xuất hiện trong gian thờ tổ ở các lễ Raja. Như vậy, đàn Rabap và trống Baranang, không còn là những nhạc cụ đơn thuần, nó đã trở thành phương tiện giao kết với thần linh, những âm thành của nó đã đánh thức cả giới linh thiêng.
Bên cạnh nhạc lễ là những điệu múa lễ, gắn với việc tái hiện hình ảnh thần linh theo tín ngưỡng Saman giáo (lên đồng, múa bóng) như muốn nhắn gửi và nguyện cầu đến giới thần linh giúp con người vượt qua mọi tai ách, mọi khắc nghiệt của tự nhiên, cho mưa thuận, gió hòa tôm cá, đầy khoang…
Như đã nêu, các điệu múa tín ngưỡng thường được múa trong các lễ Raja hay trong lễ Puis, Rayak. Đây là những điệu múa linh thiêng và bắt buộc phải do những chức sắc như ông Ka-ing, bà Raja, Pajauthực hiện, cũng như thầy Maduen, Kadhar họ phải kiêng cữ trong đời sống và phải thực hiện các nghi thức thụ phong nếu muốn tham gia múa lễ trong các dịp Raja của cộng đồng.
Những điệu múa của thầy Ka-ing thường là sự tái hiện hình ảnh của các vị thần, khi mà thầy Maduen hát đến vị thần nào, thì thầy Ka-ing phải múa tương ứng theo hình ảnh vị thần đó, vì vậy một hoặc nhiều vị thần thường có các điệu múa lễ khác nhau, với các đạo cụ khác nhau. Chẳng hạn, khi múa về thần Po Tang, Po Gahlau,.. thì múa nhịp chân và sử dụng đạo cụ là quạt hoặc một khăn màu đỏ, khi múa về Po Riyak, Po Tang Ahoak thì múa chèo thuyền, múa cho thần Haniim Par thì lúc đầu múa nhồn chân, sau đó múa đạp lửa, tức là đạp tắt đống lửa bên ngoài nhà lễ, nhằm xua đi những xấu xa, nắng hạn trong năm.
Muk Raja hay vũ sư cũng là một chức sắc dân gian thường thực hiện các điệu múa trong các lễ Raja Proang, Raja Dayep, bên cạnh thầy hát lễ, vỗ trống Maduen. Trong lễ Raja Proang, mở đầu người ta sẽ làm lễ Pok Raja (tôn chức vũ sư) cho bà Raja, sau đó bà mới thực hiện các lễ múa mừng bằng các điệu múa hoàng tử, múa đội khây trầu, múa đánh đu… Bên cạnh bà Raja, đội ngũ chức sắc dân gian thực hiện các diệu múa lễ còn có bà Pajau (bà bóng) thường xuất hiện trong các lễ Puis, Payak cùng với các thầy Kadhar, trong những dịp này bà Pajau chủ yếu thực hiện các điệu múa ngậm lửa, múa ru con, múa cho con ăn… Ngoài ra bà Pajau còn thực hiện điệu múa phồn thực với một người đàn ông trong lễ Raja Nagar, lễ cúng đến Po Ina Nagar Hamu Kút ở thôn Bỉnh Nghĩa (Ninh Thuận).
Nhà nghiên cứu Đổng Thành Danh nhấn mạnh, nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống Chăm luôn bao gồm hai bộ phận rõ rệt, tương ứng với nội dung, tính chất và ý nghĩa khác nhau: một là ca múa nhạc phục vụ cho tín ngưỡng, tôn giáo trong các lễ tục; hai là ca múa nhạc trong đời thường, chủ yếu đáp ứng nhu cầu giải trí trong các hoạt động cộng đồng hoặc biểu diễn trên các sân khấu nghệ thuật. Trước đây, người Chăm không bao giờ sử dụng các bài hát lễ, điệu múa lễ, nhạc cụ thiêng trong các hoạt động văn nghệ giải trí đời thường và cũng không múa, hát tập thể, sử dụng các nhạc cụ thông thường ở những chốn linh thiêng.
Tuy nhiên trong một bài phân tích gần đây, ông Đổng Thành Danh bày tỏ sự quan ngại khi hiện nay, xuất hiện hiện tượng sử dụng các giá trị ca múa nhạc linh thiêng một cách tùy tiện trong hoạt động văn nghệ cộng đồng, không liên quan đến tâm linh. Điển hình như việc sử dụng trống baranang trong các điệu múa tập thể, người múa vừa cầm trống, vừa nhảy múa, vừa nhào lộn, leo trèo làm mất đi tính thiêng của baranang, một nhạc cụ chỉ được sử dụng trong lễ hội, mà người sử dụng phải là một chức sắc chứ không phải là nghệ nhân thông thường. Do vậy, cần hạn chế việc sử dụng hình ảnh các chức sắc, các điệu múa, bài hát và đạo cụ thiêng trong các hoạt động văn nghệ, biểu diễn quần chúng. Các động tác nhảy múa chủ yếu nhằm tái hiện các lễ tục nên sân khấu hóa phải đúng bản chất, nội dung, quy trình nghi lễ.
Bởi vậy, nhà nghiên cứu cho rằng, "cần có sự nhận diện, phân định rõ ràng giữa chất thiêng liêng và trần tục trong nghệ thuật ca múa truyền thống Chăm là việc làm hết sức cấn thiết, góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân tộc, giúp mọi người hiểu thêm bản chất, ý nghĩa của nền nghệ thuật Chăm".
Theo nguồn tư liệu và bia ký ở chùa Nhật Bản ghi chép, múa Chăm đã lan tỏa sang Nhật Bản, gọi là Gagaku, chứa đựng tám điệu khúc cổ nhạc có nguồn gốc từ Champa với tên gọi Lâm Ấp bát nhạc. Đây cũng là những điệu nhạc thịnh hành nhất ở Nhật Bản từ xưa đến nay bao gồm: Karyobin (Ca lăng tân), Bosatsu (Bồ Tát), Bairo Bugaku (Bồi Lô), Bato (Bạt Đầu), Án Ma (gồm hai vũ khúc), Ryo-o (La Lăng Vương), Koingu (Hồ Âm Tửu – một khúc tân nhạc), Manjugaku (Vạn Thu nhạc).
Tài liệu của Viện nghiên cứu nhã nhạc Kyoto ghi về Bairo như sau:
“Điệu múa Bồi Lô phá trận nhạc là một điệu múa điển hình trong các điệu vũ nhạc gọi là Thái Bình nhạc tả phương (một trong tám điệu múa gọi là Lâm Ấp Bát nhạc), do ngài Bà La Môn tăng chính nổi tiếng là Bồ Đề Thiên Na và nhà sư Phật Triết người Lâm Ấp (Việt Nam) truyền vào Nhật Bản, dưới thời Thiên Hoàng Shomu (trị vì từ năm 724 đến năm 748). Thái tử Shotoku, ngài Monobe no Moriya và ngài Hiroman Taro Yoshie thường hay tấu vũ nhạc này khi ra trận… Điều này là minh chứng cho thấy Nhật Bản đã công nhận điệu vũ nhạc Gagaku là một thể loại opera vừa múa, vừa hát là nhạc Lâm Ấp.