{keywords}
 

Một số công ty, bao gồm các nhà cung ứng lớn của Apple, cho biết họ phải tạm dừng hoặc giảm hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở tỉnh Giang Tô, sau khi chính quyền địa phương tại đây hạn chế nguồn cung điện cho mục đích công nghiệp đến hết tháng.

Các thành phố trong tỉnh yêu cầu doanh nghiệp ngừng sử dụng điện hoàn toàn từ 26/9 đến cuối tháng hoặc giảm mức tiêu thụ năng lượng trong những ngày còn lại của tháng từ 10% tới 30% so với mức thông thường.

Những hạn chế này được đưa ra sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc các tỉnh không đạt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng và cắt giảm carbon thường niên.

Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia hồi giữa tháng 8 đưa cảnh báo, nêu tên hàng loạt tỉnh – bao gồm các trung tâm công nghiệp quan trọng như Giang Tô, Quảng Đông và Hồ Bắc – vì dùng quá nhiều năng lượng, không đáp ứng lời kêu gọi “kiểm soát sử dụng năng lượng và khí thải carbon” trong nửa đầu năm.

Các biện pháp đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến nhà cung ứng của Apple, Tesla, Microsoft, HP và Dell, cũng như làm gián đoạn sản xuất tại các nhà cung ứng dịch vụ kiểm tra, đóng gói chip cho Qualcomm, Nvidia và Intel.

Những doanh nghiệp, từ sản xuất linh kiện, chip đến đơn vị lắp ráp, đều cảnh báo gián đoạn năng lượng trong tháng sau có thể tạo hiệu ứng gợn sóng xuyên suốt chuỗi cung ứng, do thời điểm tháng 9 tới tháng 11 thường là thời kỳ bận rộn nhất với các nhà sản xuất điện tử. Bỏ lỡ khung sản xuất này không chỉ gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng mà còn dẫn đến doanh số đáng thất vọng của đối tác.

Giám đốc một nhà cung ứng iPhone trả lời Nikkei rằng họ đang xem xét lượng tồn kho linh kiện và bộ phận. Dù tình hình vẫn kiểm soát được ở thời điểm hiện tại, họ lo ngại gián đoạn lớn sẽ xảy ra vào tháng 10 khi hết tồn kho.

Gián đoạn sản xuất cũng khiến khủng hoảng bán dẫn trở nên trầm trọng hơn. ASE Technology Holding – nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra và đóng gói chip lớn nhất thế giới – cho biết tuân thủ chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ. Tuy nhiên, họ phải sắp xếp lại việc giao hàng trước thời hạn để giảm thiểu tác động cho khách hàng.

Pegatron, một trong hai nhà thầu lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, sẽ giảm sử dụng điện không cần thiết để giảm mức tiêu thụ năng lượng ít nhất 10%.

Các nhà sản xuất áp dụng nhiều biện pháp để đáp ứng quy định, từ đóng băng một số dây chuyền đến giảm hoạt động không cần thiết, sử dụng tồn kho để trả hàng trong ngắn hạn. Vài doanh nghiệp bố trí để nhân viên làm thêm giờ từ 1/10 nhằm bù đắp tổn thất về công suất cuối tháng 9.

Trung Quốc đang thúc đẩy các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, hi vọng đạt trung lập carbon vào năm 2060.

Du Lam (Theo Nikkei)

Nguồn cung iPhone 13 ảnh hưởng từ chính sách tiết kiệm điện của Trung Quốc

Nguồn cung iPhone 13 ảnh hưởng từ chính sách tiết kiệm điện của Trung Quốc

Một số đối tác quan trọng của Apple và Tesla đã tạm dừng sản xuất tại vài nhà máy Trung Quốc, nhằm tuân thủ chính sách tiêu thụ năng lượng của nước này.