Một cơ sở khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa được hình thành tại Hà Nội. Cơ sở này có tên gọi Trung tâm Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật, do 3M - đối tác chuyên cung cấp linh kiện phụ trợ cho Apple thành lập. Đây là nơi thử nghiệm và trưng bày các sản phẩm, vật liệu mới dùng làm linh kiện đầu vào cho ngành điện tử.
Bên lề sự kiện này, Amit Laroya, Phó Chủ tịch Cấp cao khu vực châu Á mảng Giao thông và Điện tử 3M cho biết, nhiều nhà sản xuất đang muốn đa dạng chuỗi cung ứng, đặc biệt, các công ty tới từ Mỹ đang có sự chuyển dịch hướng đầu tư sang Việt Nam.
“Khi các công ty này sang Việt Nam, họ muốn các doanh nghiệp phụ trợ sẵn sàng cho sự chuyển dịch. Đó là lý do chúng tôi đã, đang hiện diện để sẵn sàng phục vụ các làn sóng chuyển dịch kinh tế”, ông Amit Laroya chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nằm ở yếu tố con người, với thế hệ trẻ nhiều năng lượng, hoài bão và môi trường kinh doanh thuận lợi. Các doanh nghiệp Mỹ chọn Việt Nam bởi những lợi thế đó.
Trên thực tế, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh. Theo Báo cáo Thương mại thế giới (World Trade Report), Việt Nam hiện đứng thứ 2 toàn cầu về xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và phụ kiện.
Số liệu của Bộ TT&TT cũng cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử Việt Nam ước đạt 127 tỷ USD. Giá trị xuất siêu lĩnh vực phần cứng, điện tử đạt khoảng gần 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, tồn tại một nghịch lý khi “kép chính” trong hoạt động sản xuất hàng điện tử lại đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam chủ yếu tham gia vào ngành công nghiệp điện tử ở vai trò lắp ráp, với biên lợi nhuận mỏng, giá trị gia tăng thấp. Việc thiếu sự tham gia của các công ty trong nước ở mảng công nghiệp phụ trợ cũng là một trong những điểm yếu của chuỗi cung ứng Việt Nam.
Góp ý nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam, ông Amit Laroya cho hay, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện đã có, bằng chứng là xung quanh khu vực Hà Nội có rất nhiều khu công nghiệp với các nhà máy sản xuất đồ điện tử.
Tuy vậy, các công ty sản xuất ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của cả một quá trình dài. Qua thời gian, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam sẽ dần tích lũy kinh nghiệm để tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển.
Một yếu tố mà Việt Nam cần quan tâm để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hàng điện tử là việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là ở các mảng mà Việt Nam đang hướng tới.
“Các công ty sản xuất cần phối hợp với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, ngành điện tử, đào tạo ngay từ bây giờ. Sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và nhà sản xuất để có nguồn nhân lực cho phát triển là rất cần thiết”, ông Amit Laroya nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam đang đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhờ đó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, “đuổi kịp, tiến cùng” với các nước phát triển.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.
“Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ... Đây cũng chính là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Mỹ có nhiều tiềm năng và thế mạnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.