Sáng 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Đổi tên luật và tên thẻ là cần thiết
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi của dự thảo luật và tên thẻ căn cước, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của luật; đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng.
Từ đó, giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.
"Việc đổi tên luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh.
Ông Lê Tấn Tới cũng phân tích thêm, việc bổ sung điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của con người. Thực tế hiện nay, do không có giấy tờ tùy thân, họ rất khó khăn trong việc đi lại, giao dịch, lao động, sở hữu tài sản… nên cần cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nêu thực tế hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, các thế lực thù địch lợi dụng việc những đối tượng này khó khăn trong đi lại, giao dịch, lao động do không có giấy tờ tùy thân nên đã xuyên tạc chính sách của Nhà nước chưa bảo đảm nhân quyền.
Trên thực tế, trong số những đối tượng này đã có một số người lợi dụng hoạt động để chống phá Đảng, Nhà nước ta, khi xử lý, truy nguyên, lực lượng chức năng rất khó khăn do những đối tượng này không có giấy tờ tùy thân.
Từ những vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.
Thẻ căn cước được mã hóa, chống làm giả, bảo mật thông tin
Về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung các thông tin: Sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, các giấy tờ hộ tịch được cấp nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý dân cư.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư trong các cơ sở dữ liệu sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch của người dân.
Tuy nhiên, để xác định cần thu thập, cập nhật những thông tin nào ở cơ sở dữ liệu nào cần có sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng về tính phổ biến trong các giao dịch, giá trị sử dụng, nhu cầu của người dân, năng lực quản lý của bộ máy và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết các thông tin khác cho phù hợp với thực tiễn nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo luật.
Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định nhóm thông tin phổ biến như dự thảo luật; những thông tin khác sẽ do Chính phủ quy định phù hợp với tình hình thực tế.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong thời gian tới chỉ đạo rà soát các thông tin cần thiết để bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm thuận tiện cho người dân trong các giao dịch phù hợp với từng giai đoạn; đồng thời đáp ứng công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sử dụng mã QR và chip điện tử trên thẻ căn cước vì liên quan đến tính bảo mật của thông tin. Ý kiến khác đề nghị chỉ dùng chip điện tử, không nên dùng cả mã QR và chip điện tử, vì mã QR trên thẻ căn cước sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ bị đánh cắp thông tin, đặc biệt, với người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc thường xuyên sử dụng các dịch vụ tiện ích và giao dịch dân sự.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hiện nay, mã QR trên thẻ căn cước chỉ cho phép khai thác những thông tin cơ bản đã in trên thẻ căn cước và thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số đã được cấp trước đây của công dân nhằm tạo điều kiện cho công dân khi thực hiện một số giao dịch.
Để bảo đảm tính bảo mật của thông tin, thẻ căn cước được chế tạo bằng công nghệ cao đã được mã hóa, bảo đảm chống lại việc làm giả hoặc tiếp cận, khai thác thông tin trái phép, bảo đảm an toàn việc bảo mật khai thác thông tin trong chip điện tử.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo luật trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo tiếp thu giải trình nên khẳng định hầu hết ý kiến đồng ý, chỉ có một số ý kiến cá biệt ở kỳ trước.
"Tại cuộc họp hôm qua, Bộ Chính trị đồng thuận rất cao đối với việc đổi tên dự án luật này", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác giải trình, tiếp thu, thể hiện sự thận trọng, cầu thị của các cơ quan hữu quan. Dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.