Tuy điều kiện tự nhiên không thuận lợi nổi trội, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy Khánh Vĩnh, Đảng bộ xã Khánh Đông đã bám sát các nghị quyết của Đảng, đoàn kết lãnh đạo chính quyền xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Vùng đất của khu căn cứ cách mạng Hòn Dữ năm xưa nay đã đổi thay nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Quan tâm phát triển hạ tầng
So với 5 năm trước, Khánh Đông đã thay đổi nhiều, nhất là về cơ sở hạ tầng. Xã có nhiều nhà ở kiên cố, công trình kè chắc chắn. Chỉ về sân thể thao cộng đồng xanh mướt thảm cỏ, ông Cao Văn Lộc (thôn Suối Thơm) kể, khu này vốn là sân vận động nhiều cỏ dại, nền sân gồ ghề.
Nhờ được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn hỗ trợ xây dựng, năm 2023, nơi đây đã trở thành sân thể thao cộng đồng, diện tích hơn 4.000m2, có cả sân bóng đá, bóng chuyền, nhà điều hành… và lắp đặt nhiều bộ dụng cụ tập luyện, thu hút nhiều người dân tới rèn luyện sức khỏe.
Khánh Đông có 3 thôn thì cả 3 đều có nhà văn hóa mới; nhiều con đường liên thôn được bê tông hóa; trường học được xây dựng khang trang. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã đã thực hiện 43 dự án xây dựng, nâng cấp hội trường UBND xã; thi công hệ thống giếng khoan; xây kè; làm mới, nâng cấp 26 tuyến đường; xây dựng nghĩa trang Suối Thơm... với tổng vốn đầu tư gần 29,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, Khánh Đông là xã thuộc khu vực II, có 983 hộ, trong đó gần 32% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; đa số người dân làm nông, lâm nghiệp tự phát, manh mún.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân. Năm 2021, xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2024 đạt 16/19 tiêu chí.
Nâng cao đời sống người dân
Đưa chúng tôi tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả, ông Nguyễn Đình Khởi - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, Đảng ủy xã đã chỉ đạo tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khuyến khích đảng viên, hội viên nông dân đi đầu phát triển sản xuất để dẫn dắt người dân vươn lên. 5 năm qua, Hội Nông dân xã đã cùng chính quyền địa phương vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cùng với duy trì trồng hơn 1.000ha cây keo, xã đã đưa vào trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị như bưởi da xanh, cam xoàn, sầu riêng, dừa...
Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, hội đã hỗ trợ 20 hộ vay 320 triệu đồng mua cây, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi; phối hợp tổ chức hàng chục lớp hướng dẫn trồng cây ăn quả, nuôi cá nước ngọt, thâm canh lúa nước, chăn nuôi và phòng bệnh cho gia cầm, gia súc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…. Hội còn tín chấp cho 320 lượt hội viên vay 12,2 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để sản xuất kinh doanh, sử dụng nước sạch...
Toàn xã có 1 hợp tác xã trồng cây ăn quả, 2 tổ hợp tác, 1 chi hội nghề nghiệp, 1 câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi hiệu quả. Với sự quan tâm của xã, sự tự lực của hội viên, sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ hội, nhiều người dân đã vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, toàn xã có 256ha cây ăn quả.
Các mô hình trồng bưởi da xanh, keo lai giâm hom, chăn nuôi bò, heo… cho thu nhập bình quân 50 - 100 triệu đồng/năm. Nhiều hộ từ nghèo khó đã vươn lên khá giả, như hộ ông Nguyễn Văn Lâm (thôn Suối Thơm) xây được căn nhà trị giá trên 600 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Phước Lộc (thôn Suối Sâu) có căn nhà trị giá khoảng 300 triệu đồng và 2,8ha bưởi. Hằng năm, xã có hàng chục hộ thoát nghèo, nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Đoàn Thanh niên xã cũng phát huy vai trò xung kích, tích cực tuyên truyền về chuyển đổi số; thực hiện số hóa điểm di tích lịch sử Hòn Dữ; tổ chức chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền về cài đặt VNeID; hỗ trợ thanh toán điện tử, nộp thuế điện tử... Cả 3 thôn đều thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, giúp người dân tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cao nhận thức về mọi mặt...
Giai đoạn 2021 - 2024, toàn xã có 72 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây nhà ở với tổng số tiền 5,76 tỷ đồng. Năm 2021, xã có 231 hộ nghèo; đến cuối năm 2024 còn 56 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,99 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Cao Văn Tài (thôn Suối Thơm) chia sẻ: "Tôi là dân quân, vợ vừa sinh con nhỏ, hai vợ chồng trước đây ở nhờ nhà vợ. Được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng và bà con cho vay, cuối năm 2024 gia đình tôi đã xây được căn nhà khang trang với diện tích 80m2. Năm nay, gia đình tôi sẽ ăn Tết vui trọn vẹn".
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên ban chấp hành; chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chú trọng phát triển cây trồng chủ lực, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; rà soát, quản lý nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; củng cố hệ thống chính trị… Nhờ đó, liên tục 4 năm (2020 - 2023), Đảng ủy xã đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; không có chi bộ, đảng viên yếu kém. Xã phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt xã nông thôn mới và đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo NGUYỄN VŨ - VĨNH THÀNH (Báo Khánh Hòa)