Theo trang tin Russian7.ru, Nga đang thúc đẩy việc chế tạo máy bay ném bom chiến lược tàng hình đầu tiên - không phải là biến thể từ các mẫu thời Liên Xô, mà được phát triển hoàn toàn mới, có thể cạnh tranh với loại máy bay tương tự của Mỹ.

Được đặt tên là “Sản phẩm 80”, mẫu thử nghiệm loại máy bay này đang được chế tạo trong khuôn khổ chương trình Tổ hợp máy bay tương lai cho không quân tầm xa (PAK-DA), do Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất của Nga (UAC) thực hiện trên cơ sở thiết kế của Phòng thiết kế Tupolev.

Dự kiến, “Sản phẩm 80” sẽ thay thế máy bay tầm xa Tu-95, đồng thời đảm nhiệm một phần chức năng của máy bay ném bom chiến lược Tu-160.

{keywords}
Ảnh minh họa: militaryrussia.ru

Theo các nhà phân tích và chuyên gia nước ngoài, đối với loại máy bay mới này, cách làm mà Tổ hợp PAK-DA thực hiện là sản xuất theo từng đợt nhỏ, tương tự như đối với xe tăng T-14 Armata, trong khi các nhà thiết kế hoàn thiện dần bản mẫu.

“Sản phẩm 80” được thiết kế theo nguyên tắc “cánh bay”, vốn được áp dụng trên máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ. Hình dạng này cho phép làm giảm đáng kể trọng lượng riêng của khung máy bay và tăng đáng kể khối lượng tải trọng hữu ích. Ngoài ra, diện tích phản xạ hiệu dụng và khả năng bị radar phát hiện cũng giảm xuống.

Theo những thông tin được rò rỉ cho giới truyền thông, “Sản phẩm 80” sẽ được lắp hai động cơ, tầm bay không cần tiếp nhiên liệu có thể đạt 12.000km (tức hơn một phần tư chu vi Trái đất), khả năng mang tải trọng lên tới 30 tấn. Máy bay cũng sẽ được trang bị máy tính có khả năng phân tích tình hình trên không và hoạt động của radar.

Gần như chắc chắn “Sản phẩm 80” sẽ là một máy bay cận âm. Có ý kiến xem đây là một bước lùi của ngành chế tạo máy bay Nga. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng máy bay siêu thanh cũng có những mặt hạn chế.

Thứ nhất, tốc độ siêu thanh là sự thải nhiệt tăng lên gấp nhiều lần thông thường, trong khi quang học hồng ngoại của các trạm radar đối phương có khả năng nhận biết máy bay đã chuyển sang chế độ siêu thanh từ khoảng cách vài trăm km, kết quả là máy bay đánh chặn sẽ cất cánh chỉ sau vài phút.

Thứ hai, hoạt động của động cơ ở chế độ cưỡng bức luôn đi kèm với việc tiêu thụ nhiên liệu quá mức, trong một số trường hợp có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm như máy bay có nguy cơ không thể quay trở về.

Chính vì vậy mà loại máy bay siêu thanh Tu-160 hiện có trong lực lượng Không quân chiến lược Nga chỉ được sử dụng trong những trường hợp “bất đắc dĩ”, như để nhanh chóng vượt qua khu vực nguy hiểm.

Về vũ khí, một số nguồn tin cho rằng, “Sản phẩm 80” sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kh-102 với tầm bắn lên tới 5.500km, có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, nhằm vào các mục tiêu cả trên đất liền và trên biển.

Theo những nguồn tin khác, máy bay sẽ được lắp vũ khí siêu thanh, có thể là hệ thống Kh-47M Kinzhal hiện được trang bị cho máy bay chiến đấu hạng nặng MiG-31. Toàn bộ vũ khí trang bị sẽ được đặt bên trong thân máy bay, giúp làm giảm đáng kể khả năng bị radar đối phương phát hiện.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu máy bay ném bom mới bay ở tốc độ cận âm, thì tên lửa siêu thanh sẽ không thể phóng được, nhiều khả năng, tên lửa mới nhỏ gọn hơn sẽ được phát triển để tàng hình.

Theo nguyên Tư lệnh Lực lượng hàng không-vũ trụ Nga Viktor Bondarev, những tên lửa có tầm hoạt động lên tới 7.000km và thiết bị điện tử của chúng sẽ xác định được hướng, độ cao và tốc độ bay, cũng như phân tích tình hình trên không và hoạt động của radar.

Nhìn chung, vũ khí siêu thanh sẽ cho phép máy bay tàng hình của Nga thực hiện chức năng như máy bay đánh chặn trong vũ trụ. Đây là điểm khác biệt với các máy bay tương tự của Mỹ.

Tên lửa siêu thanh có thể đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào trên mặt đất, các nhóm chiến đấu tàu sân bay, cũng như tất cả các mục tiêu ở trong không gian gần Trái đất (trước hết là các vệ tinh quân sự và đầu đạn tên lửa chiến lược). Có thể, máy bay cũng sẽ được trang bị bom, cho phép nó thực hiện các cuộc tấn công ném bom truyền thống vào lãnh thổ của đối phương.

Tờ The National Interest cho rằng, máy bay mới của Nga có thể trở thành đối thủ nguy hiểm đối với lực lượng không quân Mỹ và NATO, vì nó được phát triển dựa trên các giải pháp mới nhất trong ngành chế tạo máy bay. Đó là, những đặc tính tàng hình được nâng cao, hệ thống lái được cải thiện và khả năng chiến đấu được tăng cường.

Việc đưa “Sản phẩm 80” vào biên chế Lực lượng hàng không-vũ trụ Nga chưa thể sớm diễn ra. Bởi lẽ, các nhà thiết kế Nga đã rút được kinh nghiệm từ việc chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ. Họ sẽ không tập trung vào thời hạn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng Nga, mà sẽ chú trọng vào chất lượng của mẫu máy bay mới. Các chuyến bay thử nghiệm dự kiến diễn ra vào năm 2025. Việc sản xuất hàng loạt sẽ được tiến hành sớm nhất vào năm 2027.

Xem tin thời sự quốc tế trên VietNamNet

Nguyên Phong

Xem uy lực dàn vũ khí Nga tập trận hạt nhân

Xem uy lực dàn vũ khí Nga tập trận hạt nhân

Nga tổ chức cuộc tập trận hạt nhân với sự tham gia của dàn vũ khí 'khủng', trong bối cảnh căng thẳng với Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Putin giám sát cuộc tập trận lớn của lực lượng hạt nhân

Ông Putin giám sát cuộc tập trận lớn của lực lượng hạt nhân

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ giám sát "một cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước của các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó các tên lửa hành trình và đạn đạo sẽ được phóng".