Sau dịch Covid-19, các nhà cung cấp, cơ sở lưu trú yêu cầu công ty du lịch phải thanh toán hoặc ứng trước tiền cọc khi đặt dịch vụ cho du khách. Các đơn vị du lịch không thể thực hiện gối đầu công nợ như trước, mà phải chuyển tiền ngay khi sử dụng dịch vụ. Do đó, ở thời điểm du lịch đang bùng nổ, DN cần dự trù nguồn vốn, nếu chậm chân cọc là mất dịch vụ cho khách hàng.
Thực tế, ngành du lịch đang trong giai đoạn phục hồi và nguồn tài chính lưu động của nhiều công ty không thể đảm bảo như trước, trong khi, việc tiếp cận các khoản vay từ tổ chức tín dụng là khó.
Theo bà Phạm Phương Anh - Phó TGĐ Công ty Du lịch Việt, đa phần các công ty du lịch nhỏ và vừa làm lữ hành đơn thuần, không có tài sản đảm bảo trong khi gói tín dụng với lãi suất ưu đãi phải đủ điều kiện tín dụng mới được giải ngân. Còn nếu vay bằng hình thức tín chấp thì hồ sơ khó hơn nhiều, cần xem lịch sử dòng tiền của DN trong 3 năm có đều không, hoạt động kinh doanh có ổn định không thì ngân hàng mới xét duyệt. Tuy nhiên, ai cũng biết 3 năm qua là thời gian của dịch bệnh, chẳng DN nào đảm bảo có được báo cáo tài chính “ngon” để vay vốn. Do vậy, các DN lại phải quay về phương án vay với tài sản đảm bảo. Khó vẫn hoàn khó.
Không thể chờ đợi, bà Phương Anh đã tự xoay bằng cách vay cá nhân để lấy vốn cho công ty. DN đã phải thế chấp tài sản cá nhân để vay vốn tại hai ngân hàng với lãi suất khoảng 10%/năm nhằm duy trì hoạt động của công ty.
“Số tiền lãi hàng tháng không hề nhỏ. Chúng tôi rất muốn có cơ chế linh hoạt, chuyển đổi khoản vay. Ở đây, xác nhận người vay cá nhân là chủ doanh nghiệp và dòng tiền đó được dùng vào hoạt động kinh doanh. Nếu được chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ nhận được lãi suất ưu đãi. Còn nếu yêu cầu tất toán khoản vay cá nhân hiện tại mới được vay tiếp khoản vay doanh nghiệp thì rất mất thời gian” - Phó TGĐ Công ty Du lịch Việt nói.
Trong khi đó, Giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch và sự kiện Viettours - bà Cao Thị Tuyết Lan cho rằng, DN có điều kiện để vay nhưng không vay được do các ngân hàng đã hết room tín dụng. Công ty nào cũng muốn đầu tư, cải tạo lại nhưng vốn đâu ra. 2 năm dịch, DN còn sống được đã là kỳ tích, giờ là lúc tạo nguồn lực cho công ty du lịch.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nhận định, khối DN du lịch đang ở trong tình trạng yếu nguồn tài chính để hỗ trợ cho hoạt động trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, đối với những đơn vị đầu tư vào hạ tầng du lịch như lưu trú, vận chuyển… thì nguồn tài chính cần đầu tiên. Đối với các hãng lữ hành sẽ cần tiền để khôi phục hoạt động đón khách, quá trình quảng bá, xây dựng sản phẩm kết nối với dịch vụ du lịch địa phương.
Đại diện một công ty du lịch lớn tại TP.HCM chia sẻ, thời gian qua, một số ngân hàng hết room tín dụng nên kẹt trong vấn đề giải ngân khoản vay. Nhiều DN lĩnh vực khác cũng gặp phải tình trạng này. Khoản vay số tiền lớn thì tài sản đảm bảo là điều kiện ràng buộc để các ngân hàng có thể thu hồi nợ trong trường hợp xấu xảy ra.
Mấu chốt vấn đề là các đơn vị kinh doanh du lịch cần nhìn xa và có sự chuẩn bị sớm. Một số DN thấy tháng 4-5/2022 vừa qua, du lịch phục hồi mạnh thì mới bắt đầu đi vay vốn là hơi trễ, trong khi ngay từ năm 2020, công ty này đã phải thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động cho các ngân hàng đối tác để nhận được hỗ trợ, giữ lại nguồn tiền cho DN trong trường hợp cần sử dụng.
Chính sách cần đi vào thực tiễn
Thống kê, 7 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có lượng khách quốc tế hơn 765.000 lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021; khách nội địa khoảng 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so cùng kỳ năm 2021. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 60.300 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy ngành du lịch có sự phục hồi tốt, tuy nhiên lượng khách quốc tế đến TP, vốn là nguồn khách đem lại doanh thu lớn, chưa thể đạt mức như kỳ vọng.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đến từ tình hình thế giới dẫn đến nguồn khách chưa thể kích hoạt, chính sách visa, lạm phát tăng thì nguyên nhân chủ quan là DN ngành du lịch gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động, đặc biệt là nhóm DN lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến nhưng chưa đảm bảo điều kiện vay vốn. Nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản tín chấp.
Tính đến cuối tháng 5/2022, các NHTM đã hỗ trợ cho 852 doanh nghiệp du lịch đạt 18.822 tỷ đồng. Tuy nhiên, để DN du lịch phục hồi tích cực và bền vững, cần có sự chuyển đổi mạnh hơn trong việc tiếp cận các chính sách và giải pháp hỗ trợ về vốn, do nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay sau hai năm dịch bệnh. Việc triển khai Nghị định 31/2022 ngày 20/5/2022 của Chính phủ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn NHTM sẽ tạo điều kiện cho DN ngành du lịch giải tỏa cơn khát vốn để phục hồi.
“Dẫu vậy, để chính sách đi vào thực tiễn, mong các ngân hàng thương mại cùng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch; các hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch”, đại diện Sở Du lịch TP.HCM nói.