Tiếp tục hỗ trợ nông sản Việt thoát cảnh giải cứu vỉa hè
Tiếp nối chương trình hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ số, làm quen với phương thức kinh doanh mới - bán hàng qua sàn thương mại điện tử tại Hải Dương, từ ngày 10/5, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã khởi động chiến dịch hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản có tính mùa vụ.
Vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình và mít Thái ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là ba loại nông sản được Vietnam Post chọn đưa lên tiêu thụ qua sàn Postmart của doanh nghiệp mình.
Dưa hấu Quảng Bình là 1 trong 3 loại nông sản có tính mùa vụ đầu tiên được Vietnam Post chọn hỗ trợ tiêu thụ qua sàn Postmart trong chiến dịch mới nhất. |
Trao đổi với ICTnews, ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu của Vietnam Post cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để ứng phó, Vietnam Post nói chung và sàn Postmart nói riêng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu kép.
Đó là, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ nông dân đưa nông sản, nhất là các loại nông sản có tính mùa vụ lên tiêu thụ trên sàn Postmart nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ.
Cùng với yêu cầu 100% cán bộ, công nhân viên tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, cài và sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, Vietnam Post thường xuyên khử khuẩn và vệ sinh các bưu cục, điểm giao dịch, trang bị nước sát khuẩn tại những điểm phục vụ khách hàng…
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tăng cường hỗ trợ đưa nông sản lên sàn. Không những thế, đội ngũ nhân viên Bưu điện còn được yêu cầu tuyên truyền để các hộ nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho người và nông sản, đặc biệt là tại các địa phương đang có dịch”, ông Lê cho hay.
Tương tự Vietnam Post, cùng với việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đang hỗ trợ bà con nông dân Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm hành tím qua sàn Vỏ Sò.
Tính đến nay, sản lượng hành tím Sóc Trăng được tiêu thụ qua sàn Vỏ Sò đã đạt gần 30 tấn, với hơn 12.000 đơn hàng. |
Theo ông Phước An - chủ hộ sản xuất hành tím tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), sau đợt Covid-19 tái bùng phát, hành tím của gia đình không thể xuất khẩu được, không những thế thương lái còn ép giá nên việc tiêu thụ gặp khó khăn.
Hoạt động hướng dẫn các hộ sản xuất hành tím ở Sóc Trăng đưa sản phẩm lên bán trên sàn Vỏ Sò của đội ngũ Viettel Post Sóc Trăng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hộ nông dân nơi đây.
Tính đến nay, sản lượng hành tím Sóc Trăng được tiêu thụ qua sàn Vỏ Sò đạt gần 30 tấn, với hơn 12.000 đơn hàng. “Doanh thu tăng chỉ là một phần nhỏ, việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử giúp chúng tôi có thêm đầu ra cho sản phẩm”, ông Phước An chia sẻ.
Cơ hội thúc đẩy nông dân làm quen với phương thức bán hàng qua sàn
Dịch Covid-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng được nhận định là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, một thách thức lớn với phát triển kinh tế số tại Việt Nam là kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ thực tế triển khai hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp bưu chính Vietnam Post, Viettel Post đều có chung nhận xét phần lớn bà con chủ yếu tập trung sản xuất, chưa quen với việc sử dụng công nghệ cũng như chưa từng tiếp xúc với bán hàng online.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp cũng cho rằng, dịch Covid-19 đang là tác nhân khiến người tiêu dùng gia tăng tần suất dùng thương mại điện tử, thanh toán số, vì thế cần thúc đẩy mạnh để các hộ nông dân nhanh chóng làm quen với phương thức kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.
Thống kê của Vietnam Post cho thấy, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng đơn hàng qua sàn Postmart gia tăng đáng kể. Nguyên nhân bởi nhu cầu của người dân ở nhà mua sắm qua các kênh online tăng mạnh.
Riêng trong khoảng thời gian từ khi dịch bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, lượng đơn hàng đạt trung bình 1.000 đơn/ngày, gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước. Các mặt hàng được người tiêu dùng đặt hàng nhiều hơn cả là đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP.
Với Viettel Post, lượng đơn hàng trên sàn Vỏ Sò đã tăng gần 2 lần trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc sản.
“Theo khảo sát của chúng tôi, do tính chất bị hạn chế đi lại giữa các tỉnh nên người tiêu dùng có xu hướng muốn tìm mua các sản phẩm đậm chất quê hương, đặc sản vùng miền. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng khiến sản phẩm nông sản được đưa về giá trị thật và chất lượng thật, vì vậy người tiêu dùng dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng hơn”, đại diện Viettel Post nêu ý kiến.
Đơn hàng nông sản trên các sàn Postmart, Vỏ Sò tăng khoảng 2 lần vì dịch Covid-19 |
Từ kinh nghiệm có được từ đợt hỗ trợ nông dân Hải Dương hồi tháng 3, cả Vietnam Post và Viettel Post đều cho rằng, để nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các hộ nông dân, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cần được thực hiện theo cách “cầm tay chỉ việc”.
Cũng vì thế, Viettel Post lên kế hoạch tại mỗi địa phương, sẽ tổ chức các nhóm nhân sự xuống tận trang trại, nhà vườn, hợp tác xã… để trực tiếp hướng dẫn bà con cách tạo tài khoản, livestream, viết nội dung giới thiệu sản phẩm và vận hành gian hàng trên sàn Vỏ Sò.
Vietnam Post và sàn Postmart đã đào tạo để các nhân viên bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã có thể hướng dẫn tận nơi cho các hộ nông dân trên địa bàn về các công đoạn bán hàng online, cách thức để đăng ký và bán hàng trên sàn Postmart...
“Để các hộ nông dân quen thuộc, thành thạo với phương thức kinh doanh mới vẫn cần có thời gian. Vì thế, việc hướng dẫn cho bà con không chỉ giới hạn trong thời gian ngắn, mà sẽ tiếp tục được mở rộng thành các buổi đào tạo cho cả lực lượng bán hàng của Bưu điện tỉnh, một số cơ quan, tổ chức phối hợp và các hộ kinh doanh đặc thù”, đại diện Vietnam Post chia sẻ thêm.
Vân Anh
Hơn 60 tấn nông sản Hải Dương đã được tiêu thụ qua các sàn Postmart, Vỏ Sò
Trong khoảng 1 tháng qua, 2 sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 60 tấn nông sản cho các hộ nông dân Hải Dương. Hai doanh nghiệp bưu chính đang xúc tiến mở rộng chương trình tại các địa phương khác.