Khi công ty thay đổi cách quản lý, Kristinan Batykefer mất việc. Sau đó, cô ly hôn. Đột nhiên, cô trở thành người thất nghiệp và vô gia cư.
Để giúp Batykefer, 2 người bạn đã mời cô và con gái 4 tuổi về ở chung trong căn nhà có 4 phòng ngủ. Bạn thân nhất của Batykefer là Tessa Gilder sau đó cũng ly hôn và tới chung sống. Cô mang theo 2 bé gái 5 tuổi và 1 tuổi.
Rất nhanh chóng, họ trở thành một cộng đồng những bà mẹ đơn thân cùng chung sống.
Họ không phải là trường hợp hiếm hoi. Trên khắp thế giới, nhiều bà mẹ đơn thân đang sống chung dưới một mái nhà, cùng chia sẻ gánh nặng chăm sóc con cái và các khoản chi tiêu. Khi Batykefer bị ốm, những người phụ nữ khác trong nhà sẽ nấu súp và làm bánh quy cho cô ăn. Họ đưa bọn trẻ tới công viên để cô có thời gian nghỉ ngơi. “Hệ thống trợ giúp không giống ai” - cô viết trên một bài đăng TikTok, thu hút hơn 1 triệu lượt xem. “Lẽ ra tôi nên chuyển tới đây từ lâu” - cô chia sẻ với tờ The New York Times.
Mô hình các bà mẹ sống chung nhà không phải là thứ quá mới mẻ. Nó đã tồn tại trong nhiều thế kỷ nay, đặc biệt là trong cộng đồng những bà mẹ không phải người da trắng. Đại dịch cộng với số lượng mẹ đơn thân ngày càng tăng ở Mỹ đã tạo ra một điểm nhấn mới cho cấu trúc gia đình tự lập này.
Theo Cục điều tra dân số Mỹ, gần 80% số gia đình đơn thân do các bà mẹ đứng đầu. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những gia đình này có nhiều khả năng bị nghèo đói và gặp các vấn đề về tâm lý.
Bà Naomi Torres-Mackie, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về sức khỏe tâm thần của phụ nữ ở New York, cho biết việc làm mẹ đơn thân thường dẫn đến nhiều căng thẳng. “Chia sẻ tài nguyên là giải pháp và có thể là liều thuốc giải tỏa sự căng thẳng về vai trò, giảm sự cô lập và kỳ thị của xã hội” - bà nói.
Tháng 4/2020, khi đại dịch dẫn đến phong tỏa toàn diện, những người bạn lâu năm gồm Holly Harper - giám đốc tiếp thị và Herrin Hopper - luật sư, đều mới ly hôn và đang làm việc từ xa. Bọn trẻ cũng học online từ nhà. Cảm thấy “cuộc chiến” ngày càng khó khăn hơn, họ đã thay đổi hướng đi, gom góp tài chính để mua một ngôi nhà chung.
Cùng chia sẻ một ngôi nhà là cách giúp các bà mẹ đơn thân vơi bớt sự hụt hẫng khi mối quan hệ tan vỡ của họ dẫn đến sự thay đổi về mặt kinh tế.
Cả hai chia đều chi phí 835.000 USD để mua một ngôi nhà 4 tầng màu xanh lá cây ở vùng ngoại ô D.C. Họ sơn các bức tường bên trong tông màu ngọc và đặt tên cho nó là “ngôi nhà của nàng tiên cá”. Hopper sống với con trai 10 tuổi và con gái 15 tuổi trong khu vực 3 phòng ngủ trên tầng 2. Còn Harper thì sống ở tầng 1 cùng con gái 10 tuổi.
Sáu tháng sau khi dọn đến, cặp đôi mời 2 người phụ nữ khác tới sống chung - một người sống ở tầng hầm, người kia sống ở tầng áp mái.
Sau đó, họ lại mua một ngôi nhà 3 tầng khác ở gần đó với mục đích cho các ông bố bà mẹ đơn thân thuê lại. Harper mơ ước có thể mở rộng mô hình chung sống này sang các thành phố khác ở Mỹ.
Hiện tại, 2 người phụ nữ kia đã chuyển ra ngoài nên Harper và Hopper đã cho một người đồng tính nam thuê căn hộ ở tầng hầm. Còn tầng áp mái được dùng làm không gian chung để bọn trẻ làm bài tập về nhà, tổ chức tiệc khiêu vũ và nơi nghỉ ngơi.
Nhờ có mô hình chung sống này, Hopper cảm thấy không cần phải sống theo những khuôn mẫu và quy tắc của một bà mẹ đơn thân thông thường. Cô không cần phải yêu lại một lần nữa, không cần hẹn hò hay tái hôn. “Chúng tôi đã xua tan lầm tưởng rằng chỉ có một con đường phía trước” - cô nói.
Thậm chí, con đường mới này ngày càng có tổ chức và được chính thức hoá. Hiện các nhóm đưa ra những thoả thuận sống chung dành cho cha mẹ đơn thân.
Carmel Boss cho biết cô đã đặt tên cho cộng đồng mẹ đơn thân chung sống này là “mommune” từ nhiều năm trước, trước cả khi nó bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội.
Boss là người thành lập CoAbode - một nền tảng chia sẻ nhà ở dành cho các bà mẹ đơn thân - khi bản thân cô cũng là một bà mẹ đơn thân cách đây 20 năm. Khi đó, cùng với cậu con trai 7 tuổi, cô quyết định mời một bà mẹ đơn thân khác ở Los Angeles về sống cùng. Và cô nhận ra không có kênh nào để hỗ trợ các bà mẹ đơn thân tìm thấy nhau. Đó là lý do ý tưởng này ra đời.
Ban đầu, CoAbode là một tổ chức phi lợi nhuận. Nhưng đến năm 2016, Boss đã chuyển đổi nó thành một doanh nghiệp vì lợi nhuận và hiện ước tính có khoảng 300.000 bà mẹ đơn thân đăng ký.
“Chúng tôi giống như một ngôi làng online” - Boss, hiện đã 69 tuổi, cho hay.
Cuối năm nay, Commune, một nhà phát triển nhà ở dân cư có trụ sở tại Pháp, sẽ mở một khu dành cho các hộ gia đình đơn thân ở ngoại ô Paris với không gian cho 14 gia đình. Dự án thứ hai cũng sẽ mở vào cuối năm nay ở miền bắc nước Pháp, với không gian cho 28 gia đình.
Thị trường nhà đất dành cho mẹ đơn thân được đánh giá là một thị trường tiềm năng và hiện chưa được đáp ứng. Nhu cầu chia sẻ nhà là có thật và tồn tại ở khắp nơi trên toàn thế giới.
Anna Dillon, một bà mẹ 42 tuổi người Ireland sống ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, quyết định tạo một cộng đồng mẹ đơn thân vào năm 2021 cùng với Emily Winchip, 40 tuổi, người Mỹ. Cả hai đều là các nhà giáo dục.
Sau khi ly dị vào năm 2019, Dillon gặp thử thách khi vừa phải cân bằng giữa cuộc sống xã hội và công việc toàn thời gian.
Cô Winchip, đồng nghiệp của cô, cũng phải đối mặt với khó khăn tương tự. Cô đã sống ở Trung Đông 13 năm, nhưng khi đại dịch xảy ra, cô bị tách ra và phải ở một mình với con trai, hiện 12 tuổi.
“Tôi nói với cô ấy ước gì chúng tôi được sống ở một nơi mà bọn trẻ có thể chơi cùng nhau” - Winchip nói.
Tháng 9/2021, họ bắt đầu thuê một căn hộ 3 phòng ngủ, chia đều tiền thuê và thay phiên nhau nấu ăn, trông con cho nhau.
Hiện cả hai đều có bạn trai mới và dự định sẽ chuyển ra ngoài sống. Nhưng họ đều thừa nhận rằng quãng thời gian chung sống rất đáng giá.
“Giá như chúng tôi đã làm điều đó sớm hơn khoảng 2 năm” - Dillon nói.