Sau 3 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đạt kết quả tốt.

Theo đó, bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng, tăng từ 90,85% năm 2020 lên 93,35% năm 2023; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 91,0% năm 2020 lên 96% năm 2023; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm: thể nhẹ cân từ 11,6% năm 2020 xuống 10,5% năm 2023; thể thấp còi từ 19,5% năm 2020 xuống 18,6% năm 2023; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước thực hiện 82,1% năm 2023, khả năng đạt chỉ tiêu 85% năm 2025.

Triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 7 Chương trình 1719

Đối với Dự án 7 (Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Y tế đã tổng hợp và đề xuất hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó ưu tiên các huyện nghèo theo quyết định của cấp có thẩm quyền thuộc 12 tỉnh, thành phố.

Căn cứ nhu cầu thực tế, địa phương lập, thẩm định, phê duyệt 18 dự án/ trung tâm và triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành, đảm bảo không trùng lặp với các nguồn vốn khác và các chương trình, dự án khác. 

Đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn: Hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho bác sĩ đã tốt nghiệp được tuyển dụng làm việc tại các cơ sở y tế thuộc các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS&MN. Năm 2024 chỉ tiêu đào tạo là 259 chỉ tiêu chuyên khoa cấp I. Bộ Y tế ban hành Quyết định công nhận trúng tuyển chuyên khoa cấp I cho 104 bác sĩ được hỗ trợ đào tạo chuyên khoa cấp I.

phu nu dtts.png
Khám sức khỏe cho phụ nữ DTTS tại Lai Châu

Tiêm chủng ngoại trạm: Dự án đã xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động chủ yếu của hoạt động tiêm chủng ngoài trạm năm 2024. Cụ thể: trạm y tế xác định các thôn bản nguy cơ cao có tỷ lệ tiêm chủng thấp và lập kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo tổ chức điểm tiêm chủng ngoài trạm thực hiện tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng ít nhất 1 buổi/tháng tại các địa bàn này.

Bộ Y tế đã tổ chức các chuyến giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn triển khai nội dung Chương trình về “Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS” tại các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Cà Mau, Bình Phước.

Trong năm 2024, đơn vị này phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tổ chức giám sát hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và khám, chữa bệnh miễn phí cho phụ nữ, trẻ em người DTTS tại huyện Bắc Hà (Lào Cai); Thực hiện Chương trình sự kiện khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các dân tộc huyện Yên Bình kết hợp chuyển giao kỹ thuật xử trí cấp cứu sản khoa cho các bệnh viện vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Yên Bái.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) đã hỗ trợ địa phương giải đáp thắc mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Dự án 7; Tổ chức Hội thảo rà soát và hướng dẫn triển khai hoạt động “Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số” thuộc Dự án 7 cho 51 tỉnh/thành phố thực hiện chương trình. 

Tuy nhiên quá trình triển khai chương trình còn một số hạn chế, khó khăn. Một số địa phương kinh phí phân bổ cho các nội dung chuyên môn không phù hợp để triển khai hết các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế như mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế: Que thử Protein niệu, gói đỡ đẻ sạch, túi dụng cụ cô đỡ thôn bản, cân, thước đo, tài liệu truyền thông, loa, đài. Các địa phương nhất là tuyến huyện/xã, chưa thực sự đủ năng lực để xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, triển khai hoạt động theo phân cấp quản lý.