Đóng BHXH 15 năm lương hưu
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được Chính phủ đề xuất có quy định mới về thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu 15 năm, nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu.
Cụ thể, dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.
Mức lương hưu hàng tháng của đối tượng quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam đủ điều kiện có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ lương hưu là 2,25%.
Như vậy, lao động nam đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng tỷ lệ lương hưu 33,75%.
Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì thời gian này được tính tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25% cho mỗi năm đóng.
Mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động được tính, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%. Chính phủ quy định chi tiết về mức hưởng và điều kiện hưởng lương hưu.
Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh hưởng lương hưu.
Một chuyên gia lao động tiền lương cho rằng, việc quy định thời gian đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu chỉ nên áp dụng với những trường hợp chưa rút BHXH một lần.
Tức là, chỉ áp dụng với người có tất cả thời gian làm việc, đóng BHXH 15 năm, chưa rút BHXH một lần nào, thì được hưởng lương hưu. Ngược lại với những người lao động đã rút BHXH một lần rồi tham gia đóng BHXH trở lại cho đủ 15 năm thì không nên áp dụng chế độ hưu cho những người này.
“Với trường hợp đã rút BHXH một lần, nếu không rút “một cục” thì thời gian tham gia BHXH không phải 15 năm mà có thể là 20 - 25 năm. Do vậy nếu quy định chung chung chỉ đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu thì nhiều người sẽ rút rồi tham gia trở lại vẫn đủ thời gian hưởng lương hưu.
Như vậy, sẽ không khuyến khích được người lao động ở lại hệ thống BHXH, làm ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội”, vị chuyên gia lao động tiền lương nói.
Nên tăng trợ cấp hưu trí
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng quy định người có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với nữ thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng BHXH cao hơn được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật; bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
Về vấn đề này, một cán bộ BHXH Hà Nội cho rằng, nên tăng mức trợ cấp một lần cho người về hưu đóng thừa số năm hưởng lương hưu tối đa (75%) khi đến tuổi nghỉ hưu bằng 1,5 đến 2 lần mức lương bình quân đóng BHXH. Việc nâng mức hưởng như vậy là để khuyến khích người lao động ở lại hệ thống.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, tính toán kỹ để tăng mức chi trả cho mỗi năm đóng thừa BHXH. Mức hưởng tối đa lên 1,5 hoặc 2 tháng lương, đảm bảo công bằng cho người lao động khi nghỉ hưu.
Hiện nay, người rút BHXH một lần sẽ được hưởng mỗi năm được 2 tháng lương. Trong khi người tham gia ở lại hệ thống BHXH cho đến khi nghỉ hưu, rồi đóng thừa số năm, hưởng mức lương hưu tối đa chỉ được 0,5 tháng lương cho mỗi năm đóng thừa là quá thấp, thiệt thòi cho người lao động.
Do vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán, tăng mức hưởng cho mỗi năm đóng thừa BHXH hưởng lương hưu tối đa từ 1-1,5 tháng lương. Có như vậy mới khuyến khích được người lao động đủ điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH.