Sau khi VietNamNet thông tin Dự thảo sửa đổi Luật BHXH đề xuất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu, nhiều bạn đọc đã nêu quan điểm xung quanh vấn đề này.
Lo ngại lương hưu không đủ sống
Bạn đọc Tha Nhan cho rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ nằm trong khoảng 73-74 tuổi, trong khi tuổi nghỉ hưu đã tăng lên 62 đối với nam, 58 đối với nữ. Liệu sau khi nghỉ hưu, người lao động sống khoảng 11 năm nữa, mức lương hưu có đủ để mua thuốc điều trị bệnh lúc già.
Doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động ở mức thấp, khi đóng đủ 20 năm hưởng 45% lương, không bằng mức lương cơ sở.
Do vậy, nên lấy mức lương cơ sở làm căn cứ để các doanh nghiệp phải đóng tối thiểu một mức nào đó, để khi đủ điều kiện hưởng lương hưu ít nhất phải bằng mức lương cơ sở.
Cho rằng mức lương hưu được hưởng sau 15 năm đóng BHXH quá thấp, bạn đọc Hung Do Duc gợi ý, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người tham gia đóng BHXH và BHTN để thu hút tăng số người tham gia.
“Khi đóng BHXH Nhà nước đặt ra mức lương tối thiểu phải đóng. Vậy tại sao khi hưởng lương hưu lại thấp hơn mức lương tối thiểu?”, bạn đọc Hung Do Duc thắc mắc.
Bạn đọc Nguyễn Doãn Dũng lại cho rằng, dù đóng BHXH 15 hay 20 năm thì mức lương khi nghỉ hưu tối thiểu cũng phải bằng mức lương tối thiểu vùng.
Còn về tuổi nghỉ hưu, Nhà nước cũng cần điều chỉnh, phân loại đối với công nhân lao động và cán bộ ngồi văn phòng sao cho phù hợp.
Ví dụ, công nhân lao động nam chỉ 55 tuổi, nữ 50 tuổi là nghỉ hưu và về sớm trước 5 năm khi mất 61% sức khỏe. Đối với cán bộ công chức, có thể trên 60 tuổi là phù hợp.
Một bạn đọc khác cho rằng, mức trừ 2% mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi rất thiệt thòi cho người lao động ngoài Nhà nước, bởi vì họ rất khó giữ được công việc đến 60, 62 tuổi. Thường chỉ có thể giữ được công việc đến tầm 45, 50 tuổi là đã may mắn rồi.
Bạn đọc Thai Chan đề xuất, số năm đóng BHXH giữa nam và nữ chênh quá dài, nên rút ngắn hơn, với nữ 15 năm và nam 17 năm là hợp lý. Vốn dĩ nam giới tuổi nghỉ hưu đã cao hơn nữ, trong khi nếu tính lùi thì nam giới về hưu khi chưa đủ 20 năm đóng BHXH sẽ có lương hưu rất thấp, không đủ sống.
Bạn đọc mong cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng các điều trên để sửa đổi Luật BHXH, tránh gây mất lòng tin của người đóng BHXH.
Giảm thời gian đóng BHXH có thực sự ngăn rút 1 lần?
Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm hưởng lương hưu được các cơ quan chức năng đánh giá là chính sách rất tốt cho người lao động, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này sẽ tạo cơ hội cho người lao động lớn tuổi, tham gia thị trường lao động muộn có điều kiện tiếp cận với chính sách bảo hiểm hưu trí.
Bạn đọc Hung Do Duc bày tỏ quan điểm, thực chất của việc giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu là để ngăn số lượng người rút BHXH. Bởi vì, thời điểm bắt đầu được hưởng lương hưu không thay đổi, người lao động phải đủ tuổi nghỉ hưu mới được hưởng.
Bạn đọc Hồng Quang lại cho rằng, đóng BHXH trên 20 năm không được rút BHXH 1 lần, nhưng đến khi được hưởng lương hưu vẫn thấp thì không hạn chế được tình trạng rút BHXH 1 lần.
Trên thực tế, có trường hợp nam giới đóng BHXH hơn 20 năm, đến nay đã xin nghỉ việc được 1 năm. Vì đóng trên 20 năm nên không được rút BHXH 1 lần. Do sức khỏe yếu, anh muốn rút BHXH 1 lần để có vốn làm ăn nhưng không được, phải chờ tới 62 tuổi nghỉ hưu.
“Vậy tại sao chính sách không uyển chuyển để người lao động được lựa chọn dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng có thể rút BHXH 1 lần?”, bạn đọc Hồng Quang băn khoăn.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) nhận định, khi giảm thời gian đóng BHXH, người lao động có điều kiện tiếp cận chế độ lương hưu, đảm bảo quyền lợi an sinh lâu dài.
“Đóng BHXH 15 năm dù lương hưu thấp còn hơn là để người lao động rút BHXH 1 lần, rồi khi về già không được hưởng chế độ hưu trí”, ông Quảng nói.