Đáng lưu ý, chỉ trước đó ít ngày vào hồi 16h28’ ngày 17/12, một trận động đất có độ lớn 4.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km cũng xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tương tự, vào ngày 15/12, cũng tại huyện này xảy ra động đất với độ lớn 2.7, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,3km. 

Đây được xem là địa phương xảy ra động đất nhiều nhất ở nước ta trong năm qua. Khi trung tuần tháng 3 địa phương này tuần nào cũng ghi nhận hiện tượng động đất, có thời điểm xảy ra liên tiếp 4 trận trong 1 ngày. 

Theo Viện Vật lý địa cầu, nước ta rất hiếm những trận động đất mạnh, tuy nhiên hàng năm cũng xảy ra nhiều trận động đất có cường độ thấp. Mấy năm gần đây động đất diễn ra khá liên tục ở Việt Nam và có chiều hướng tăng dần về tần suất. 

Đơn cử như trong vòng hơn 2 tháng đầu năm nay, nước ta đã xảy ra gần 60 trận động đất, nhiều nhất ở Kon Tum. Trong đó, đáng chú ý có 4 trận ở huyện Kon Plông có thể cảm nhận được rung lắc với độ lớn từ 3,5- 3,9. 

W-anh-chup-man-hinh-2023-12-24-luc-155001-1.png
Động đất liên tiếp ở Kon Tum.

Ngoài ra một trận động đất hiếm gặp cũng xảy ra tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc hôm 8/3.  Cùng ngày. 8/3, động đất cũng xảy ra tại huyện Mường Tè, Lai Châu với độ lớn 4,4. 

Viện Vật lý địa cầu nhấn mạnh tác động trực tiếp của các trận động đất là rung cuộn mặt đất, gây ra hiện tượng nứt vỡ, làm sụp đổ các công trình xây dựng, gây sạt lở đất, lở tuyết. Mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên cường độ, khoảng cách tính từ chấn tâm, và các điều kiện về địa chất, địa mạo tại nơi bị ảnh hưởng.

Động đất cũng thường gây ra hỏa hoạn khi chúng phá hủy các đường dây điện và các đường ống khí. Các trận động đất xảy ra dưới đáy biển có thể gây ra lở đất hay biến dạng đáy biển, làm phát sinh sóng thần (những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền). Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu...

Theo các chuyên gia, động đất thường xảy ra rất nhanh. Bề mặt đất rung chuyển gây ra các chấn động mạnh chỉ đếm bằng giây nên việc dự báo rất khó. Theo thống kê, những trận động đất mạnh cũng chỉ kéo dài tối đa 3 phút. 

Nhưng động đất có thể kèm theo dư chấn sau đó lại không thể dự báo sớm chính xác thời điểm xảy ra. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh việc chủ động ứng phó là vô cùng cần thiết đối với người dân, nhất là những vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất như khu vực Tây Bắc và Kon Tum. 

Để ứng phó các chuyên gia đã đưa ra một số kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn cho bản thân khi xảy ra động đất.

Theo đó, người dân luôn phải nhẩm trong đầu nguyên tắc “núp- che- giữ”. Khi đang ở trong nhà nếu thấy động đất xảy ra để bảo vệ mình khỏi các đồ vật rơi vỡ hãy chui xuống dưới gầm bàn và đợi khi rung chấn không còn. Trong quá trình núp, bạn phải tuyệt đối bảo vệ đôi mắt bằng cách úp mặt vào cánh tay và giữ như thế cho đến khi an toàn. Đặc biệt, không cố tắt lửa trên bếp vì có thể bạn bị bỏng nếu nước sôi bị đổ. 

Nếu bạn đang ở trên tầng thì không chạy xuống tầng dưới hoặc lao ra ngoài khi toà nhà đang rung chuyển, nếu bạn vội vã chạy xuống có thể bạn sẽ bị tường đổ hoặc các vật dụng đè lên. Trong trường hợp cố gắng di chuyển thì người dân không sử dụng thang máy đề phòng mất điện bất ngờ. Hãy ngắt hết các cầu giao khi sơ tán ra khỏi nhà để phòng hoả hoạn do quên tắt các thiết bị điện. 

Nếu đang ở ngoài đường hãy chạy ngay tới vùng đất trống, tránh xa các toàn nhà cao tầng, cây to và cột điện. Nếu chẳng may bị vùi lấp, hãy dùng gạch hoặc bất cứ vật gì phát ra tiếng động gõ để có người nghe thấy và trợ giúp. Để đối phó với động đất bạn cần nắm rõ các số điện thoại cảnh sát 113, cứu hoả 114, cấp cứu 115. 

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV