Liên tiếp những vụ cháy xe ô tô xảy ra gần đây khiến nhiều người không khỏi hoang mang và đặt ra câu hỏi, liệu ngay trước mỗi khi xe cháy có cách nào để phát hiện? Và kim báo nhiệt độ động cơ (hiển thị trên cụm đồng hồ táp lô) có "đánh động" việc chiếc xe đó sắp bị cháy hay không?
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, kỹ sư ô tô Lê Tiến Hiếu - cố vấn dịch vụ của gara ô tô Bảo Tín (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ô tô bỗng nhiên bị cháy có thể đến từ nhiều vị trí với rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một lý do khá hy hữu là do động cơ xe bị quá nhiệt, có thể gây cháy.
Theo kỹ sư Hiếu, trên hầu hết các dòng xe, nhiệt độ của động cơ thể hiện qua đồng hồ nhiệt độ trên táp lô xe. Kim nhiệt độ này hoạt động dựa trên tín hiệu điện áp từ cảm biến nhiệt độ nước làm mát gắn trên thân động cơ. Một số xe có thêm cảm biến ở van hằng nhiệt để so sánh nhiệt độ đầu ra của nước làm mát.
"Do kim báo nhiệt độ động cơ đo nhiệt độ của nước làm mát đang tuần hoàn tại một điểm trong động cơ nên nếu xe bị cháy do những nguyên nhân khác như chập điện, rò rỉ xăng dầu hay vướng phải rơm rạ và bắt lửa ở gầm xe,... thì đồng hồ đo nhiệt độ này không thể báo trước được. Thậm chí xe đang bắt đầu cháy nhưng kim nhiệt vẫn không thay đổi", kỹ sư Lê Tiến Hiếu nhận định.
Chia sẻ thêm về cơ chế hoạt động của kim báo nhiệt động cơ, vị kỹ sư ô tô này cho biết, nhiệt độ nước làm mát luôn dao động từ khoảng 70-100 độ C tùy theo điều kiện vận hành của xe và được giữ khá ổn định. Nhưng khi động cơ bị quá nhiệt dẫn đến sôi nước (nhiệt độ khoảng 110-120 độ C), lúc này, đồng hồ báo nhiệt độ trên táp lô sẽ tăng cao bất thường (đến mức H hoặc vạch đỏ tuỳ hiển thị).
Khi đó, nhiều khả năng chiếc xe đã "dính" vào một số vấn đề như rò rỉ nước làm mát dẫn đến thiếu nước để giải nhiệt động cơ, quạt làm mát không chạy, bơm nước không hoạt động, van hằng nhiệt kẹt trong trạng thái đóng không tuần hoàn được nước hoặc két nước bị tắc do bẩn,...
Vị chuyên gia này cho rằng, dù kim nhiệt báo "max" với bất cứ nguyên nhân gì thì lúc này cần xuống xe và kiểm tra sơ bộ ban đầu xem nước có bị rò rỉ không, có khói bốc lên từ khu vực động cơ không, quạt gió còn chạy không, có bị tuột dây curoa không, do nhiều xe bơm nước làm mát hoặc vận hành quạt gió bằng dây curoa.
Sau khi loại trừ các trường hợp hỏng hóc nặng, nên để xe nguội tự nhiên khoảng 20-30 phút rồi mới mở nắp bình nước phụ kiểm tra và bổ sung nước mát (nếu bị hụt), sau đó có thể khởi động và tiếp tục di chuyển với vòng tua vừa phải, đồng thời liên tục kiểm tra kim nhiệt trên đường.
"Khi xe đã có hiện tượng kim nhiệt tăng lên bất thường, nên đưa ngay đến các gara để kiểm tra và biết chính xác nguyên nhân, tránh trường hợp xe đang có bệnh mà vẫ "đi cố" sẽ rất phiền hà và tốn kém về sau. Nhẹ có thể là phải "nằm đường" và thuê cứu hộ; còn nặng có thể bị thổi gioăng mặt máy, phải đại tu động cơ rất tốn kém", kỹ sư Hiếu chia sẻ.
Hoàng Hiệp (ghi)
Bạn có góc nhìn thế nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!