Đồng Hỷ đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng 18/10 mô hình giảm nghèo, đạt 180% so với kế hoạch; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm…
Đồng Hỷ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, chủ yếu sản xuất nông - lâm nghiệp, đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa. Dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng chương trình giảm nghèo đã được huyện triển khai với quyết tâm cao và đạt được kết quả đáng kể, góp phần đưa tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện giảm từ 16,22% (năm 2022) xuống còn 9,95% (năm 2024) giảm 6,27% tương ứng với 1.552 hộ, tập trung ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2024, Đồng Hỷ phấn đấu giảm 387 hộ nghèo và 130 hộ cận nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tập trung vào những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Với nguồn vốn được bố trí từ năm 2022 đến nay là hơn 17 tỷ đồng, huyện đã triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ việc làm bền vững; cải thiện dinh dưỡng...
Quan tâm đến việc tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, Đồng Hỷ đã tích cực lồng ghép nguồn vốn của các dự án khác với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để xây dựng các mô hình kinh tế; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo, cận nghèo.
Nguồn lực đầu tư bước đầu phát huy hiệu quả, như việc đầu tư cho người dân chăn nuôi gia súc là phù hợp thực tiễn, phát huy tiềm năng địa phương. Huyện cũng hỗ trợ giống lúa, ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt cho các hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời triển khai nhiều mô hình như trồng cây đào lấy quả ở bản người Mông Lân Quan, xã Tân Long; trồng na ở bản người H'Mông Trung Sơn, xã Quang Sơn; hỗ trợ bò giống… Nhờ đó, người dân ở các địa bàn vùng khó đã vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Dương Văn Sình ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, cho hay trước đây, bà con người H'Mông trong xóm chỉ trồng ngô, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Mấy năm nay, bà con được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, nhà nào cũng trồng na. Cả xóm hiện có đến 40ha trồng na. Có gia đình thu hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng na nên đời sống đã được cải thiện.
Đặc biệt, huyện Đồng Hỷ chú trọng thực hiện các chính sách, tạo sinh kế bền vững cho người dân thông qua việc tổ chức nhiều ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Từ năm 2022 đến nay, hơn 3.000 người làm việc tại các doanh nghiệp. Gần 20 lớp đào tạo nghề được tổ chức cho 500 lao động nông thôn, sau đào tạo, 80% học viên có việc làm.
Không giảm nghèo theo hướng "cho không", Đồng Hỷ xác định tín dụng chính sách là kênh dẫn vốn quan trọng, tạo nguồn lực cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Từ năm 2022 đến nay có tổng số hơn 3.700 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay hơn 270 tỷ đồng để phát triển kinh tế, sử dụng vốn vay hiệu quả.
Bên cạnh việc được chăm lo sinh kế, việc làm, những năm qua, hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Đồng Hỷ được hưởng đầy đủ, kịp thời các các chính sách an sinh xã hội, như hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ học sinh ăn trưa, miễn giảm học phí, chi phí học tập, cấp thẻ bảo hiểm y tế... Nhờ đó, người dân nghèo, cận nghèo giảm áp lực trong cuộc sống, huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, giảm gánh nặng về chi phí khi ốm đau, bệnh tật.
Quan tâm về nhà ở, huyện Đồng Hỷ đã áp dụng từ các nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nguồn xã hội hoá, từ năm 2022 đến nay đã thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo quy định cho 95 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và xã hội. Huyện tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” đối với hộ nghèo và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"...