Điều này thể hiện qua những thay đổi tích cực trong thanh toán không tiền mặt, nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng…
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lớp tập huấn về kiến thức pháp luật, phòng chống lừa đảo qua không gian mạng, do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức. Ảnh: S.Thao |
Sự chuyển biến này đóng góp vào kết quả chung của tỉnh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, không để tội phạm công nghệ cao lừa đảo, gây xáo trộn cuộc sống của đồng bào.
80 tuổi tập sử dụng ATM
Ông Nguyễn Văn Long đã có gần 20 năm đảm nhận vai trò già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh. Hiện người uy tín U.80 này được nhận trợ cấp 800 nghìn đồng/tháng của tỉnh dành cho người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Ban đầu, mức trợ cấp này được chuyển đến ông Long cùng những người uy tín khác bằng tiền mặt. Song để bắt kịp xu hướng thanh toán hạn chế tiền mặt do tỉnh phát động, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp cùng ngân hàng tạo tài khoản, phát hành thẻ ATM dành cho 206 người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó có ông Long.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, Đồng Nai có 50 thành phần DTTS với gần 200 ngàn người, chiếm khoảng 6,42% dân số toàn tỉnh. Do vậy, việc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc cho người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn được tỉnh chú trọng thực hiện.
Ông Long cho hay, ban đầu, khi có tài khoản và thẻ ATM, ông thao tác còn bỡ ngỡ nhưng giờ đã sử dụng quen. Có tin nhắn báo số tiền chuyển đến và khi xài thì có tin nhắn báo tiền chuyển đi nên ông không cần phải đi hỏi tiền tháng này đến chưa. Ông còn được hướng dẫn bảo mật thông tin tài khoản trong quá trình sử dụng.
Còn với ông Quách Thanh Nhãn, người có uy tín trong đồng bào DTTS tại xã Đak Lua, huyện Tân Phú, cả đi và về từ nhà ông ra đến nơi lãnh tiền mặt trợ cấp hàng tháng dành cho người có uy tín khoảng 70km. Từ khi có thẻ ATM do Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ, ông không phải trải qua đoạn đường xa để lên huyện ký nhận nữa. Khi thấy ứng dụng này tiện lợi, ông tuyên truyền cho bà con trong cộng đồng cùng sử dụng. Giờ đây, nhiều người trong cộng đồng, dù lớn tuổi cũng đã sử dụng thành thạo việc chuyển tiền trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cùng với tạo tài khoản cho người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh, phòng dân tộc các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn bà con bảo mật thông tin sử dụng thẻ. Những kiến thức này được người có uy tín truyền thụ lại cho gia đình, dòng họ; rồi từ những hạt nhân này lan tỏa đến với cộng đồng để mọi người cùng nắm bắt.
Cũng theo ông Khang, thời gian qua, các nhóm Zalo của người uy tín tỉnh, cấp huyện cũng được lập giúp việc truyền tải các văn bản trong thực hiện các chương trình, nội dung liên quan đến công tác dân tộc đến người uy tín nhanh hơn. Điều này thay cho phương pháp văn bản giấy trước đây vừa tiết kiệm giấy in, chi phí gửi bưu phẩm.
Phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng
Cùng với đẩy mạnh thực hiện thanh toán không tiền mặt, phát hành văn bản không giấy…, việc tuyên truyền để đồng bào nâng cao cảnh giác trong phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng cũng là ưu tiên được cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh chú trọng.
Ông Nguyễn Văn Khang cho biết, mỗi năm, Ban Dân tộc tỉnh đều phối hợp cùng lực lượng công an, luật sư tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền chuyên đề về an ninh mạng, phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng cho người có uy tín. Từ những cầu nối người uy tín này, những kiến thức nhận biết về lừa đảo qua mạng được truyền thụ lại cho cộng đồng. Nhờ vậy, bà con đã nhận diện được các cách thức lừa đảo để có sự đề phòng.
Như chia sẻ của bà Điểu Thị Út, người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, đầu năm 2023, bà nhận được cuộc gọi xưng là cán bộ điều tra yêu cầu bà cung cấp thông tin cá nhân liên quan đến nhân thân, tài khoản ngân hàng… vì bà có liên quan đến vụ việc lừa đảo. Nhờ được cập nhật thông tin những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao do Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện, công an truyền đạt và tự nắm bắt thông tin trên báo đài, bà nhận ra sự bất thường và bình tĩnh xử lý vụ việc.
Tương tự, cuối năm 2023, ông Phùng Cống Sênh, người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Lộ 25, huyện Thống Nhất nhận được cuộc gọi giống như bà Út. Ban đầu, vợ chồng ông đã làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo. Song, khi đến bước chuyển tiền qua tài khoản, ông đã dừng lại vì nhận thấy có những dấu hiệu lạ như những điều được ngành chức năng khuyến cáo.
Để đồng bào nhận thức được thủ đoạn, âm mưu chống phá khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch, Ban Dân tộc tỉnh cùng các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật kiến thức về công tác dân tộc, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các DTTS. Đồng thời, trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ quan làm công tác dân tộc luôn đảm bảo chi trả đúng chế độ, đúng đối tượng. Đặc biệt, thông qua các kênh thông tin, đội ngũ làm công tác dân tộc các cấp trong tỉnh kịp thời nắm bắt dư luận trong đồng bào. Chủ động tham gia giải quyết những vấn đề mới phát sinh nhằm không để xảy ra vụ việc phức tạp gây ảnh hưởng an ninh trật tự.
Anh Nguyễn Văn Dũng, người có uy tín trong đồng bào Chơro ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom cho hay, trong quá trình sinh sống của đồng bào cũng không thể tránh khỏi phát sinh một số vấn đề. Thông qua những cuộc trao đổi với chính quyền địa phương, Ban Dân tộc tỉnh, những vướng mắc của đồng bào đã được kịp thời tháo gỡ, giúp đồng bào có niềm tin, yên tâm trong cuộc sống.
Văn Truyên (Báo Đồng Nai)