Trong những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã triển khai hoạt động về thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS). Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 28-3-2022 (gọi tắt là Nghị quyết số 05) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Để có cơ sở đánh giá, xếp loại về CĐS của các sở, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát những chỉ tiêu, tiêu chí về thực hiện Nghị quyết số 05 tại các sở, ngành, địa phương.

Rà soát kết quả thực hiện về chuyển đổi số khách quan, cụ thể

Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 về CĐS tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đối với các sở, ngành, UBND cấp huyện, thành phố trong tỉnh.

Theo Sở Thông tin và truyền thông, về cách thức phân loại trong báo cáo kết quả kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, căn cứ báo cáo của các đơn vị, địa phương, hồ sơ minh chứng gửi kèm, thực tế tại đơn vị và kết quả kiểm tra tại một số đơn vị, đoàn kiểm tra về thực hiện Nghị quyết số 05 ở các sở, ngành, địa phương trong tỉnh chia thành 3 nhóm để xếp loại với 3 mức: tốt A, khá B, trung bình C.

img_4935_20250105203849.jpg
Khu vực giới thiệu, hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai tại không gian triển lãm về chuyển đổi số ở huyện Định Quán diễn ra vào tháng 10-2024. Ảnh: H.Quân

3 nhóm để xếp loại gồm: nhóm các sở, ban, ngành có lĩnh vực ưu tiên CĐS gồm: y tế; giáo dục và đào tạo; công thương; tài nguyên và môi trường; thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao và du lịch; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; ban quản lý các khu công nghiệp; kế hoạch và đầu tư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông sẽ tổng hợp, tham mưu hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, báo cáo về CĐS của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trước ngày 15-1-2025.
Nhóm các sở, ban, ngành còn lại gồm: Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; Tư pháp; Ban Dân tộc; Ban Quản lý khu công nghệ cao - công nghệ sinh học; Nội vụ; Xây dựng; Tài chính; Lao động, thương binh và xã hội; Ngoại vụ. Nhóm UBND cấp huyện, thành phố trong tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CĐS Đồng Nai, đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện báo cáo triển khai Nghị quyết số 05 của đơn vị.

Báo cáo cần tập trung bám sát nội dung, chỉ tiêu đánh giá theo Nghị quyết số 05 và Kế hoạch số 177 năm 2022 của UBND tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh, Kết luận số 449 của Tỉnh ủy tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05.

Các địa phương cần lưu ý, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại; đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CĐS để tỉnh ghi nhận, kịp thời có phương án tháo gỡ, giải quyết những khó khăn còn tồn đọng. Đặc biệt, địa phương cần xác định rõ các chỉ tiêu, phát triển các sản phẩm CĐS thiết thực, sát sườn, hiệu quả.

“Đối với mức độ đánh giá xếp loại về CĐS, các địa phương, sở, ngành liên quan cần rà soát, đánh giá đúng thực chất những tiêu chí phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế triển khai, thực hiện nhiệm vụ về CĐS ở sở, ngành, địa phương.

Các địa phương, huyện, thành phố rà soát lại các báo cáo liên quan, cũng như có những trao đổi, xác nhận thông tin cụ thể với Sở Thông tin và truyền thông để việc đánh giá đảm bảo tính khoa học, khách quan và đúng thực chất” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chỉ đạo.

Cần sự kết nối trong điều hành, thực hiện các bộ chỉ số

Theo nhiều chuyên gia về CĐS, việc đánh giá, xếp loại về CĐS ở các địa phương, đơn vị cần chú trọng vào việc thay đổi tư duy của lãnh đạo, người đứng đầu về CĐS. Trong đó, cần phải đo lường được hiệu quả của việc triển khai và chú trọng đến người dân hơn là số lượng và hình thức.

Một số ý kiến cho rằng, để cải thiện, nâng cao các chỉ số về CĐS, yếu tố đầu tiên là địa phương cần dành ưu tiên cao cho triển khai chiến lược CĐS. Thứ hai là xác định đúng trọng tâm chiến lược CĐS của địa phương; không quá ôm đồm, không chạy theo phong trào, cần rõ ràng, cụ thể và đo lường được.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Ngữ, chuyên gia về CĐS, thành viên Hội đồng Tư vấn CĐS Đồng Nai, cho rằng trong tỉnh hiện có nhiều bộ chỉ số để đánh giá, xếp loại cho từng ngành, từng lĩnh vực, nhưng cần có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Một chỉ số tốt của bộ chỉ số này tác động trực tiếp đến bộ chỉ số khác.

Đơn cử, nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá đổi mới sáng tạo cấp địa phương được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác như: Bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bộ chỉ số CĐS (DTI), Bộ chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…

“Tỉnh cần có “nhạc trưởng” tập hợp các sở, ngành, địa phương trong tỉnh để có thể phân tích, đánh giá các bộ tiêu chí nhằm các mục đích như: giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội nhằm đưa ra chính sách phù hợp và hoạt định chiến lược lâu dài. Đồng thời, định hướng khâu điều hành hiệu quả và không lãng phí; đảm bảo các công cụ điều hành như phần mềm của sở, ngành được liên kết nhau cùng với phần mềm của tỉnh và trung ương” - tiến sĩ Huỳnh Văn Ngữ nêu ý kiến.

Theo Hải Quân (Báo Đồng Nai)