{keywords}
Điện thoại Huawei được ưa chuộng tại Indonesia. (Ảnh: Nikkei)

Gần đây, Huawei ký thỏa thuận với Indonesia nhằm phát triển nhân tài công nghệ 5G và lĩnh vực liên quan. Công ty sẽ hỗ trợ đào tạo 100.000 người để trở thành chuyên gia trong công nghệ số, chẳng hạn đám mây và 5G. Với Indonesia, đây là biên bản ghi nhớ đầu tiên thuộc loại này mà chính phủ tham gia.

Nguồn tin thân cận với văn phòng Tổng thống Indonesia tiết lộ với Nikkei rằng với hỗ trợ của Huawei, Indonesia mong muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được các tiêu chuẩn thế giới. Huawei cũng hợp tác với một cơ quan nhà nước để thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo và 5G.

Huawei còn hợp tác công nghệ với Indosat Ooredoo, hãng viễn thông lớn thứ hai nước này, thông qua lắp đặt hạ tầng 5G tại thủ đô Jakarta và những khu vực khác. Mạng lưới sử dụng tiêu chuẩn định tuyến phân đoạn SRv6, giúp tăng cường kết nối. Đây sẽ là nước đầu tiên tại châu Á - Thái Bình Dương ứng dụng thương mại SRv6.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Cả Ericsson và Nokia đều đã thử nghiệm 5G tại đây song thiết bị Huawei rẻ hơn từ 20 tới 30% và chất lượng cũng nổi trội, theo một nguồn tin thân cận với nhà mạng quốc doanh Telekomunikasi.

Trong khi đó, tại Thái Lan, Huawei mở một trung tâm nghiên cứu 5G vào tháng 9, hỗ trợ các startup phát triển công nghệ. Theo báo chí địa phương, công ty còn chi 700 triệu baht để xây dựng trung tâm dữ liệu thứ ba tại Thái Lan vào năm sau.

Quyết định đẩy mạnh 5G tại Đông Nam Á của Huawei được đưa ra trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang bị phương Tây xa lánh. Chính phủ Anh mới đây thông báo không cho lắp đặt mới thiết bị Huawei từ tháng 9/2021. Trước đó, Anh đã cấm mua thiết bị Huawei từ tháng 1/2021. Tất cả phần cứng Huawei phải bị loại bỏ vào năm 2027.

Dù ban đầu cho phép Huawei tham gia mạng 5G nước này với vai trò hạn chế, Anh đã thay đổi quyết định trước áp lực từ Mỹ. Tại châu Âu, Pháp cũng đang chuẩn bị cho lệnh cấm thiết bị Huawei vào năm 2028. Xu hướng cũng lan sang một số quốc gia Đông Nam Á. Chẳng hạn, tại Singapore, ba nhà mạng hàng đầu đã chọn Ericsson và Nokia thay vì Huawei làm nhà cung ứng thiết bị 5G chính.

Tuy nhiên, lực cản đối với Huawei tại Đông Nam Á vẫn yếu hơn Mỹ và châu Âu. Huawei cũng không gặp khó tại châu Phi song những nước này lại chậm triển khai 5G.

Theo Hiệp hội GSM, chi phí đầu tư của các nhà mạng Đông Nam Á sẽ đạt 66 tỷ USD từ năm 2020 tới 2025, còn tại Bắc Mỹ là 282 tỷ USD và châu Âu là 181 tỷ USD. Đối với Huawei, Đông Nam Á sẽ là khu vực quan trọng đối với tăng trưởng của hãng. Nhà phân tích Remy Pascal của hãng nghiên cứu Omdia nhận định Đông Nam Á đang và sẽ là thị trường quan trọng với Huawei do “tiềm năng tăng trưởng tốt” và nhiều khách hàng.

Xét về hạ tầng viễn thông, Huawei vẫn dẫn đầu thế giới với 44% thị phần trong quý II, theo Omdia, gấp đôi miếng bánh của Ericsson. Công ty cũng được hưởng lợi từ đầu tư 5G của Trung Quốc cũng như nhu cầu lớn trong địa hạt này.

Tại một số thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, môi trường kinh doanh của Huawei lại đang xấu đi và thị phần được dự đoán sụt giảm bất chấp đầu tư vào 5G tăng.

Huawei khẳng định không có gián đoạn trong việc kinh doanh hạ tầng viễn thông. Thiết bị viễn thông không sử dụng bán dẫn tinh vi như trong smartphone và họ vẫn còn đủ linh kiện dự trữ. Khả năng khai thác nhu cầu tại Trung Quốc và khai phá tiềm năng của Đông Nam Á sẽ là chìa khóa giúp Huawei chống lại sụt giảm.

Theo ông Pascal, Đông Nam Á không có lập trường thống nhất với Huawei. Như vậy, Đông Nam Á sẽ ngày càng quan trọng với Huawei trong tương lai.

Du Lam (Theo Nikkei)

Hai năm vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu: Huawei vẫn trong cuộc chiến sinh tồn

Hai năm vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu: Huawei vẫn trong cuộc chiến sinh tồn

Ngày 1/12/2018, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay Vancouver. Vụ việc đánh dấu bước ngoặt đối với vận mệnh của tượng đài công nghệ Trung Quốc.