Sự hòa đồng không tới từ bộ quần áo
Mỗi lúc soạn đồ cũ để tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tôi thường thấy nhiều quần áo đồng phục của học sinh. Khi đó, tôi tự hỏi đồng phục trong trường học để làm gì?
Hẳn nhiều người sẽ trả lời ngay, đồng phục để che đi khoảng cách giữa học sinh giàu và học sinh nghèo, để đẹp, để dễ quản lý học sinh.
Và thế là, đồng phục trở thành một điều bắt buộc, một điều không thể thay đổi mà mỗi trường học, từ cấp một đến cấp ba đều thực hiện một cách rập khuôn, đồng bộ.
Trong xã hội hiện nay, hoàn cảnh gia đình học trò đâu có thể che đậy qua bộ đồ đồng phục. Chúng ta cũng không thể mong các em học sinh nghèo sẽ cảm thấy bình đẳng, tự tin hơn vì bộ đồ của mình giống như của bạn khá giả.
Bởi học sinh giàu hay nghèo trong lớp, trong trường chỉ cần nhìn vào cái điện thoại đời mới, đắt tiền, hay đôi giày thời thượng, hàng hiệu, vài phụ kiện sành điệu khác đã thể hiện quá rõ “đẳng cấp”.
Và do đó vai trò của đồng phục trong việc che đậy điều này trở thành vô nghĩa.
Nên chăng, thay vì bắt các con phải như nhau qua bộ quần áo, người lớn là cha mẹ, thầy cô hãy giáo dục, bảo ban để các em hòa đồng, trân quý và tôn trọng nhau một cách vô tư chứ không phải vì vật chất, hay tiền bạc.
Bên cạnh đó, việc bắt buộc đồng phục đôi khi lại chất thêm gánh nặng không hề nhẹ lên gia đình các em học trò nghèo vào mỗi đầu năm học.
Mỗi bộ đồng phục có giá vài trăm ngàn, mà không phải chỉ một bộ vì phải thay đổi trong tuần, theo mùa. Nhiều em phải mặc lại những bộ cũ, rách từ các năm trước, chỉ thêm tủi thân hơn mà thôi.
Đồng phục xuất phát từ lối mòn tư duy?
Tại sao học trò phải mặc đồng phục để người lớn cảm thấy đẹp, thấy trường mình có khuôn khổ, nề nếp, không lôm côm?
Trong khi các em cũng cần có sự thoải mái, tiện lợi khi đến lớp (nhất là các nữ sinh phải mặc áo dài trong cả tuần).
Đồng phục cũng không đồng nghĩa với hiệu quả trong việc quản lý học sinh ra vào trường. Thực tế hiện nay, nếu muốn vào trường nào đó, người lạ chỉ cần mua, hoặc mượn cái áo để ra vào, đâu khó khăn gì.
Thay vào đó, các trường hoàn toàn có thể vận dụng các thiết bị điểm danh, quẹt thẻ từ như các công ty đang làm để quản lý, vừa nhanh gọn, tiện lợi và hiệu quả hơn nhiều qua việc nhìn áo để nhận biết.
Bên cạnh đó, nhà trường chỉ cần quy định cụ thể các tiêu chí của trang phục đến lớp để đảm bảo tính thẩm mỹ, nghiêm túc, không lố lăng, phản cảm là được.
Trong một video của một kênh tiếng Anh khá nổi tiếng, một cô bé hỏi mẹ mình khi chiên cá sao phải chặt thành ba khúc, mẹ cô trả lời vì bà ngoại làm thế.
Cô bé hỏi bà ngoại thì bà trả lời do bà cố hay làm vậy. Và câu trả lời của bà cố thì vô cùng đơn giản, chỉ vì thời xưa cái chảo trong nhà nhỏ quá, nên phải chặt.
Thế đấy, có những điều chúng ta làm đi làm lại, lặp đi lặp lại từ năm này đến năm khác, chỉ vì thói quen, lối mòn mà không biết lý do thực sự là từ đâu.
Mà đôi khi, biết đâu đấy có những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng đầy khao khát lại ngần ngại, hay không thể bước vào cổng trường, chỉ vì bộ đồ đồng phục.
Nguyễn Hiếu Quân
Đồng phục, tưởng chỉ là một câu chuyện nhỏ liên quan đến quần áo. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ quyền tự do biểu hiện bản sắc, phong cách, cá tính, tự do lựa chọn của từng em học sinh, và điều kiện hoàn cảnh từng gia đình thì đằng sau câu chuyện đồng phục có lẽ cũng có nhiều điều cần trao đổi, nhìn nhận lại. Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn: "Học sinh có cần mặc đồng phục không?". Mời bạn đọc gửi ý kiến về: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn! |