Chúng tôi đi bên dòng sông, ngẫm nghĩ về dòng sông, bỗng thấy mình như những giọt nước, mỗi giọt nước mang một số phận, và phải có những giọt nước ấy mới góp lại thành số phận của dòng sông đất nước.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Dòng sông Lô trôi của tác giả Nguyễn Thành Phong.
Cuối buổi chiều, chúng tôi qua cầu bắc ngang dòng Lô, hướng về phía Sơn Dương. Sơn Dương, đấy là một vùng đất của thời kháng chiến chống Pháp đầy gian nan. Có một đoạn quốc lộ chạy sát gần bờ sông Lô. Đang mùa cạn lũ, nước chảy hiền hòa, lòng sông soi bóng trời cao xanh thẳm, rồi hoàng hôn xuống, lạnh dần, nước bắt đầu bốc hơi bay sương lên mờ ảo...
Sông Lô còn gọi là sông Cả hay Bình Nguyên giang, Tuyên Quang giang, chảy vào nước Việt từ Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, xuôi qua thành Tuyên, Lập Thạch, xuống ngã ba Bạch Hạc, hòa vào sông Hồng. Trước đó một đoạn chừng hơn chục cây số, sông Đà đã nhập với sông Thao để thành sông Hồng. Ba con sông từ đấy hòa nước thành một dòng sông lớn, đi từ trung du xuống đồng bằng, rồi ra biển khơi xa...
Người Tây đến Việt Nam trước đây, khi mô tả trên bản đồ, thì gọi theo màu sắc nước sông, giống như dân ta gọi sông Hồng, họ gọi sông Đà là sông Đen (rivière Noire) và sông Lô là sông Sáng (rivière Claire)... Khác sông Hồng quanh năm nước đỏ hồng, sông Lô và sông Đà mỗi năm có hai màu, đỏ hồng mùa lũ và trong xanh mùa cạn. Mùa nước trong, sông Đà chảy dưới chân các dãy núi đá cao vút nên màu nước phản chiếu thành ra xanh đen. Còn sông Lô, thảnh thơi giữa các làng quê, đồng lúa, triền cây mà thành màu sáng xanh... Chiều đang yên bình quá. Cái yên bình sau bao nhiêu thời kỳ loạn lạc, chia phôi, súng gươm, máu lửa...
Thế hệ chúng tôi vừa lớn lên là vào đúng thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh biên giới đầy khốc liệt và đau thương. Như rất nhiều con dân nước Việt, vào dịp này, chúng tôi tụ lại với nhau, để hồi ức lại. Những người lính giữ biên cương ngày ấy giờ đều đã ngoài sáu mươi, đầu bạc trắng cả. Cuộc chiến tranh biên giới thường không được nhắc đến nhiều, nên không có cái hào sảng của "Bạch đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong" trong thơ Trần Nhân Tông tả những người lính già đầu bạc say sưa kể chuyện chống giặc Nguyên Mông cho hậu thế nghe. Nhưng chiến tranh không phải là trò đùa. Những người đã trải qua vẫn cứ thường nhắc lại. Ký ức không thể quên là không thể nào quên đi được...
Có một mách bảo nào đó mà hơn hai chục người chúng tôi cùng lên một chiếc xe đi ra khỏi thành Tuyên đầy ánh sáng điện, chạy non hai chục cây số, vào một chân núi đá, gặp một ngôi nhà giữa vườn cây ở thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, để hàn huyên. Rượu trắng rót tràn ra, bao nhiêu uất hận, đau đớn, xả thân được kể lại. Rồi hát to lên cùng nhau những bài hát cũ... Đêm nay, sống cho đã đời những phút giây hồi cố, rồi ngày mai lại hòa vào với đời. Các bạn may mắn thì khỏi nói, còn chúng tôi đây, có ông xuống nhà đò kiếm cá ốc mang đi bán, có ông dậy sớm ra gác cửa chợ, cố nhặt thêm vài đồng sinh nhai...
Sau chiến tranh, bất kể là tướng hay lính, cứ được sống mà trở về, đều đã là lãi lớn. Mà ngay cả những người từng lập nên công trạng cao vời với giang sơn xã tắc, sau chiến tranh chắc gì đã yên ổn đâu? Trên đường về, tôi chỉ tay ra sông Lô đang ảo mờ mà nói với mấy cựu binh rằng, ở phía ấy, lui xuống một thôi đường nữa, trên đất Phú Thọ, là đoạn sông Trần Nguyên Hãn lao người xuống chết mang theo mối hận thấu tận trời xanh. Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cùng với Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi, đều hậu duệ nhà Trần, là cháu nội và ngoại của quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Hai người đã cùng chung tâm sức phò tá Lê Lợi làm nên nghiệp lớn. Nguyễn Trãi cơ mưu túc trí, Trần Nguyên Hãn binh pháp dạn dày. Trong Hội thề Đông Quan, Trần Nguyên Hãn là người xếp thứ hai ngay sau chủ soái Bình Định Vương Lê Lợi. Thế mà Lê Lợi lên ngôi xong, quyền lực thu về, chỉ chưa đầy hai năm sau, Trần Nguyên Hãn đã phải chết thảm, rồi sau đó đến lượt Nguyễn Trãi bị tru di... Trong lịch sử nước Nam không có nhiều vị vua vừa tài đánh giặc vừa giỏi trị bình. Người lính soạn bành, dẫn voi cho vua ngồi đuổi giặc, thắng trận về làng sinh sống tiếp, nghe tay trương tuần quát, vẫn run cả người lên, như trong thơ Lưu Quang Vũ ấy. Thì thôi, cứ lấy những điều ấy ra mà tự an ủi để bình tĩnh sống vậy...
***
Đúng vào lúc tôi nói đến sông Lô, một cựu binh trong đám bọn tôi liền cất giọng lên cao vút “Trường ca sông Lô” của Văn Cao. Bài hát vang lên vào lúc ấy, thật không thể nào còn hay hơn được nữa. Lớp chúng tôi ai cũng thuộc, cũng vang vọng trong đầu mình những ca từ và khúc thức trong bài hát này, nhưng không phải ai cũng hát được. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói, “Trường ca sông Lô” là đỉnh cao nhất của âm nhạc kháng chiến, của tân nhạc Việt Nam. Đó là một tác phẩm vĩ đại, không kém cạnh bất cứ một tuyệt phẩm cổ điển nào của Tây phương cơ mà.
Kìa, hãy lắng nghe người cựu binh hát. Giờ thì bỗng thấy, anh ấy hát không thua kém bất cứ giọng ca nào trên sân khấu: “Ѕông Lô… sóng ngàn Ѵiệt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng âm u... Ƭhu ru… bến sóng νàng, từng nhà mờ biếc, chìm một màu khói… thu… Ѕông Lô, sóng ngàn kháng chiến, cháу bờ lau thưa, đã tàn thôn trang. Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước, sông Lô… xưa”.
Tiếng hát của người cựu binh như gọi tất cả chúng tôi cùng hòa vào theo: “Trên dòng sông trở νề đoàn người, reo mừng νui trên sóng nước biếc, trôi đầу sông bao đám xác thù. Dân hân hoan nghe sóng réo νi νu xa xa, đường ngậρ người nghe gió lá νi νu hiền hòa. Ѕông mênh mông như bát ngát hát… Thâу giặc trôi trở νề ngậρ bờ, sông gầm νang tiếng súng trái ρhá, bao rừng thu như bát ngát người”...
Vào tháng 10/1947, giặc Pháp, bị bộ đội ta tấn công đánh chìm đoàn tàu trên sông Lô, phải rút xuống đồng bằng. Trên đường đi, chúng đã đốt phá tan hoang các làng mạc dân cư hai bên con sông. Văn Cao đã đi dọc bờ sông Lô lên chiến khu kháng chiến ngay sau thời điểm này. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã nhìn thấy cảnh người dân “Ѵề trong đêm gió rét, từng sân νui bóng người quanh lửa hồng. Nền khô trơ than xám, đêm chìm đợi ánh chiêu dương”. Sau đó, ông được Doãn Tuế, người sĩ quan chỉ huy pháo binh đánh thắng trận, kể lại tường tận, rồi dẫn ông đi trở lại dọc sông Lô. Bài hát “Trường ca sông Lô” ra đời, đầu năm 1948 được giới thiệu trên báo “Văn nghệ”.
Khung cảnh sông Lô đã “tàn thôn trang” với những “nền khô trơ than xám”, nhưng bắt đầu thấy “sông Lô νui bóng thuуền, lều dựng lên νen sông, bóng người sầm uất bến Then” là diễn ra sau một chiến trận ở giai đoạn đầu kháng chiến, còn cuộc kháng chiến thì phải tới năm 1954 mới kết thúc. Chúng tôi hát, như có nhiều đồng cảm với khung cảnh làng quê bị tàn phá sau khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Chiến tranh nào rồi cũng phải đi qua, từ hoang tàn mà dựng dậy. Những người cựu binh biên giới sau này cũng dào dạt “chí kiến thiết”, mừng chiến thắng là một lẽ, nhưng mừng vui hòa bình trở về còn là lẽ lớn hơn. Để “bên sông Lô đắp nhà”, bên sông Lô “vui hát ca hòa vui hát ca hòa νới ánh sáng, ta đang xâу đời mới”. Những con người “tay ta tay dân chài”, “νui hát ca hòa dân buông lưới”, chỉ muốn được “xuôi ngược dòng sông Lô” mà “quăng lưới xa”, mà thu lưới đầy cá tôm về…
Văn Cao, phẩm cách thi sĩ lớn song hành cùng phẩm cách nhạc sĩ lớn. Ca từ trong ca khúc của ông đẹp đẽ như ước vọng của người dân lành đã bao đời sinh sống trên bờ dòng Lô. “Trường ca sông Lô” là tác phẩm ngợi ca chiến thắng, nhưng sau hết, đó cũng là tác phẩm ngợi ca hết mực hòa bình. Dòng sông Lô réo gầm chiến đấu “trong căm gan toàn dân” chính là con sông thảnh thơi: “Sông nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người. Sông xuôi quanh co về, hòa mạch cùng với xuôi”...
***
“Sông nuôi dân thiên thu”, tôi đã thêm hiểu sâu sắc ý nghĩa ca từ này của Văn Cao, khi có một buổi trưa đi ra tha thẩn bên mép nước sông Lô. Con sông trào sôi “sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa” oai hùng xa xưa, giờ người dân vẫn đang neo vào mà tận tụy kiếm sống. Mặt sông dập dềnh các nhà nổi và thuyền bè. Dọc triền sông, những người cuốc đất, xách nước, chăm chỉ trồng rau màu. Ngọn núi cao xanh sừng sững ngay gần đấy đang bạt đá xuống để dựng xây nhà cửa...
Nhìn rộng, nhìn xa bao la, rồi lại cúi xuống ngay dưới chân mình, tôi bỗng ngạc nhiên thấy những bóng trắng tròn nhỏ lập lờ mép nước. Vớt lên, là những quả nhỏ giống trứng gà, còn âm ấm, như vừa được ủ trên ổ rơm. Đập thử một quả, lòng đỏ lòng trắng tươi rói. Nhìn quanh băn khoăn, thì thấy một bầy ngan dé đang bơi lội tung tăng kiếm ăn. Có lẽ đó là trứng của bầy ngan này chăng. Bước tiếp thì thấy ở một vụng nước quẩn có một đám trai sông. Nhiều lắm, bằng cả một buổi thuở nhỏ tôi ngâm nước lội bùn dận trai tím tái tay chân ở bến sông quê mới mò được thế. Vớt thử một vài con lên, cầm trên tay thì thấy lưỡi trai trắng mềm thụt dần vào trong vỏ, cũng tươi roi rói. Tôi đi lên gặp một cụ già, đưa biếu cụ mấy quả trứng, rồi bảo cụ cùng đi vớt trai. Cụ già hào hứng xắn quần lội xuống, một lúc đã tung lên bờ cả một đám trai sông béo dày…
Thành Tuyên bên dòng sông Lô, là một miền gái đẹp. Rảnh rỗi, chúng tôi ngồi tán chuyện, điểm tên người đẹp Tuyên Quang qua các thời kỳ. Danh sách sao dài thế, kể mãi không hết. Lại cùng bàn luận vì sao xứ Tuyên nhiều gái đẹp...
Vùng đất này, trong lịch sử, đã nhiều ly loạn, xung đột, cát cứ. Ngay từ thời Lý, ở đây đã xây đồn Tam Cờ, dấu vết để lại là cái chợ lớn Tam Cờ vẫn đang nhộn nhịp và gần đấy là con phố Tam Kỳ mới được quy hoạch lại. Cuối thế kỷ 16, nhà Mạc, sau 66 năm trị vì kinh đô, bị thế lực trung hưng nhà Lê hạ bệ, phải chạy lên vùng núi Việt Bắc, rồi trụ lại ở Cao Bằng, tồn tại tiếp gần 80 năm nữa. Thời ấy, thành nhà Mạc xây lên ở Tuyên Quang, làm cửa ngõ cố thủ. Cái câu chồng dặn vợ lúc chia tay: "Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng" là diễn ra ở đây. Nhà Mạc trị vì lâu thế thì cung tần mỹ nữ nhiều không xiết kể. Họ theo đến Tuyên rồi thì không theo được nữa, liền tản ra xung quanh mà thành dân thường, rồi gieo gien giống. Gien đẹp lại gặp nước sông Lô, lại có những thức ăn bình dị mà thật lành thảo, như tôi tha thẩn ra gần mép nước kiếm được, rồi thì thổ nhưỡng, khí hậu hài hòa, tất cả cùng góp vào nuôi dưỡng những gien giống ấy, thành ra miền gái đẹp thời nay. Chưa kể, đấy còn là miền đất của Chúa Bầu. Ông Chúa này lúc theo nhà Mạc khi ngả về vua Lê, rồi thành ra cát cứ. Đến giữa thế kỷ 19, thời vua Thiệu Trị, thành Tuyên được xây lại to lớn hơn. Và ngay cả sau này, thời Thủ đô kháng chiến, tinh hoa vẫn tiếp tục tụ về. Con gái ở miền này cứ thế, đã đẹp lại thông minh, duyên dáng, tài năng tôn thêm vào nữa...
***
Có một ca sĩ rất trẻ, xuất thân xứ Tuyên, từng đoạt ngôi vị Quán quân dòng nhạc thính phòng trong cuộc thi ca nhạc lớn Sao Mai. Người đẹp đã về Hà Nội để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Đầu xuân này, cô ấy có chuyến ngược lên thăm lại thành Tuyên, nên chúng tôi có duyên gặp gỡ. Chúng tôi ngồi trong căn phòng nhỏ ấm cúng, nghe giọng ca nữ Soprano cao vút quý hiếm đặc sắc nhất hiện nay cất lên những làn điệu "Qua cầu gió bay", "Hoa thơm bướm lượn", "Nhà em ở lưng đồi", “Tự nguyện”, “Sông Lô chiều cuối năm”… Rồi cả những làn điệu dân ca dân tộc Choang như “Chúc rượu”, các khúc thức nhạc Hoa trong phim Tây du ký... Chao ôi...
Khi chia tay, tôi hỏi, em là người của xứ sông Lô, lại là dòng thính phòng, sao không thấy hát “Trường ca Sông Lô”?. Cô ấy nói, đó là một đỉnh cao, để hát được “Trường ca sông Lô” thành công thì không chỉ cần có lòng nhiệt thành, có giọng hát, có kỹ thuật, mà còn phải cần đến cả trải nghiệm sống nữa. Thật sâu sắc đấy, ca sĩ trẻ ạ. Ngay cả những người thưởng thức “Trường ca Sông Lô”, muốn thấm được nhiều hơn những rung cảm, cũng phải đi qua nhiều trải nghiệm sống.
Chúng tôi đi bên dòng sông, ngẫm nghĩ về dòng sông, bỗng thấy mình như những giọt nước. Và Văn Cao, ông cũng là một giọt nước, cũng lên thác xuống ghềnh, vẫn là một giọt nước mang một số phận, không thay đổi. Phải có những giọt nước ấy mới góp lại thành số phận của dòng sông đất nước.
Những dòng sông đất nước vẫn đang tha thiết dào dạt chảy như Văn Cao kết lại ở đoạn cuối của “Trường ca sông Lô”: “Ɗòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi… Mùa xuân tới, nước băng qua ngàn, nước in νen bờ xanh ôm bóng tre”…
Dòng sông Lô trôi…
Nguyễn Thành Phong
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.
Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html