Căn cứ vào tình hình phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020, ngành Công Thương Đồng Tháp đề ra một số chỉ tiêu, định hướng và giải pháp trọng tâm phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 với một số chỉ tiêu chủ yếu như: giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2025 ước đạt 185.000 tỷ đồng, đến năm 2030 ước đạt 165.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2020 ước đạt 9,45%/năm. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2025 ước đạt 18.800 tỷ đồng, đến năm 2030 ước đạt 26.090 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 ước đạt 8,95%/năm. Sản lượng điện thương phẩm đến năm 2025 ước đạt 3.998 triệu kWh, năm 2030 ước đạt 5.508 triệu kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2020 ước đạt 7,71%/năm.
Để ngành công nghiệp tỉnh nhà phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mình trong định hướng phát triển ngành công nghiệp địa phương, Đồng Tháp đã hoạch định các giai đoạn phát triển:
Từ nay đến năm 2030, Đồng Tháp ưu tiên phát triển các ngành sử dụng những công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa như ngành: chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu xây dựng (thủy tinh cao cấp, pha lê, sứ dân dụng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát cao cấp...).
Bước sang giai đoạn 2030 - 2045, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong ngành công nghiệp. Quy hoạch khu công nghiệp công nghệ thông tin tại TP. Cao Lãnh hoặc TP. Sa Đéc cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Hình thành các trung tâm chế biến nông thủy sản và thực phẩm gắn với phát triển hệ thống logistics, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó ổn định và phát triển các ngành công nghiệp chế biến lúa gạo, cá tra theo hướng tạo ra nhiều dòng sản phẩm giá trị tăng cao, phát triển vùng trồng dược liệu.
Để hoàn thành mục tiêu, hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã và đang tăng cường công tác xúc tiến thương mại - đầu tư hướng vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN ,… các đối tác có tiềm lực về công nghệ, tài chính. Bên cạnh đó, có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các kênh thông tin, các hiệp hội, các tập đoàn lớn, chủ động tìm kiếm và làm việc với một số nhà đầu tư có tiềm năng để mời gọi đầu tư theo đúng danh mục ưu tiên của tỉnh về phát triển công nghiệp.
Ưu tiên phát triển khu, cụm công nghiệp liên kết ngành làm điểm nhấn trong phát triển công nghiệp, mở ra cơ hội cho công nghiệp tỉnh tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, kêu gọi đầu tư và lấp đầy 07 KCN và vận hành 30 CCN với tổng diện tích quy hoạch là 2.556 ha.
Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và tổ chức tốt công tác tuyên truyền; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; chú trọng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh, vốn FDI, ODA, trái phiếu… đầu tư vào ngành. Coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường.
Nhằm tạo tiền đề cho ngành công nghiệp phát triển, tỉnh xác định tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên, trí thức. Huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất và các hình thức đầu tư khác để phát triển kết cấu hạ tầng, tối ưu hóa việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường,…
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng có nhiều động thái nhằm thúc đẩy đầu tư và nâng cao chất lượng tăng trưởng đối với khu vực sản xuất và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, định hướng hình thành các ngành hàng chủ lực theo mục tiêu các đề án, chương trình trọng tâm đã được phê duyệt.
Tân Hồng