Đồng Tháp là “thủ phủ” trồng hoa kiểng truyền thống lớn nhất ở ĐBSCL với diện tích hoa kiểng đạt gần 3.000ha, trồng trên 2.000 chủng loại. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng ước đạt trên 6.276 tỷ đồng, tăng 34,78% so với năm 2020. 

Hoa kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. 

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp khẳng định, việc tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu giống cây hoa kiểng, ứng dụng công nghệ cao và cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều này giúp ngành hàng hoa kiểng của tỉnh có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

dong thap 10.jpg
Giá trị sản xuất ngành hàng hoa Đồng Tháp tăng mạnh

Những năm gần đây, ngành hàng này đã có bước phát triển vượt bậc, tăng về số lượng và chất lượng, có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đem lại lợi nhuận tốt cho người trồng hoa kiểng tỉnh.

Quá trình tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng Đồng Tháp không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.

“Với định hướng của tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu để đưa sản phẩm hoa kiểng của làng hoa Sa Đéc vào danh mục sản phẩm OCOP, đồng thời xây dựng các tour du lịch trải nghiệm trồng hoa, chăm sóc và trang trí cây cảnh”, chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cơ sở du lịch nông nghiệp tại xã Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc chia sẻ. 

Theo chị Hoa, điều này không chỉ giúp khách du lịch có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về ngành trồng hoa kiểng của Đồng Tháp, mà còn tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. 

Bạch Hân