Đồng LUNA của hệ sinh thái Terra giảm thêm 99,97% trong vòng 24h giờ qua, từ mức cao nhất trong phiên: 2.791,35 đồng/LUNA xuống còn 0,9323 đồng/LUNA. Trước đó, đồng tiền này đã giảm hơn 2.000 lần.
LUNA là mã tiền điện tử của Terra với giá phát hành lần đầu là 0,8 USD và đạt mức cao nhất là 119,55 USD/LUNA (tương đương khoảng 2,7 triệu đồng/LUNA) trong tháng 4/2022. Tuy nhiên, trong phiên 12/5, đồng tiền này đã lao dốc xuống mức dưới 0,05 USD (tương đương khoảng 1.150 đồng/LUNA), trước khi rớt thảm xuống dưới ngưỡng 1 đồng/LUNA trong phiên 13/5.
Với mức giá như hiện tại, các nhà đầu tư gần như mất trắng sau hơn 1 tháng. Nếu ai đầu tư 1 tỷ đồng vào thời điểm đỉnh cao, sẽ mua được 364 LUNA. Với mức giá hiện tại, số tiền từ 1 tỷ giảm xuống còn chưa tới 340 đồng, bằng 1/10 cốc trà đá.
Từ vị thế đồng tiền điện tử lớn thứ 6 trên thế giới với vốn hóa hơn 40 tỷ USD, đồng tiền của Terraform Labs (trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc) này đã “về mo”.
Trong phiên 13/5, Terraform Labs xác nhận mạng lưới blockchain Terra phải dừng hoạt động do LUNA giảm quá mạnh. Với việc LUNA mất 99% giá trị, Terraform Labs không còn khả năng chống đỡ các đợt bán tháo.
Ngày 12/5, các hợp đồng LUNA/USDT đã bị huỷ giao dịch trên Binance sau khi giá trị cặp tài sản xuống dưới ngưỡng 0,005 USDT. Trước đó, một sàn giao dịch tiền số khác là Huobi cũng dừng các giao dịch liên quan mã khoá LUNA.
Dù vậy, nền tảng này cho biết sẽ khởi động lại mạng lưới sau khi áp dụng bản vá để vô hiệu hoá các quyền uỷ thác khác nếu đạt được 2/3 số phiếu biểu quyết trực tuyến. LUNA giảm trong bối cảnh thị trường tiền số nói chung bị bán tháo vào lao dốc không phanh. Nhiều đồng tiền mất giá 99%. Đồng tiền số 1 thế giới Bitcoin cũng giảm mạnh nhưng có dấu hiệu hồi phục sau khi xuống gần chạm tới ngưỡng 25.000 USD/BTC.
Sự sụt giảm và mất gần như hoàn toàn giá trị của LUNA khiến giới đầu tư tiền số thực sự sốc. Khác những các vụ tiền “rác” trước đây, LUNA được biết đến là những token đầu bảng, là coin top. LUNA vẫn được biết đến là một đồng tiền số đáng tin cậy, với các tổ chức hùng hậu đứng sau, gồm nhiều quỹ đầu tư.
Sự sụp đổ của LUNA cho thấy thị trường tiền số thực sự mong manh và rủi ro.
Mất niềm tin vào tiền số
Cộng đồng người “chơi” tiền số Việt Nam cũng thực sự sốc với cú sập của đồng LUNA trong những ngày này. Không có thống kê về số người thua lỗ, những con số thua lỗ lớn đến mức nào nhưng trên các nhóm hội trên các mạng xã hội số lượng người than khóc rất nhiều. Nhiều người đang nắm giữ vài trăm cho tới vài triệu đồng LUNA. Giá trị khi ở thời đỉnh cao là rất lớn nhưng hiện tại giá trị còn lại rất ít.
Nhiều người nắm các loại đồng tiền số khác cũng chịu chung cảnh ngộ. Giá các đồng tiền giảm và túi tiền của các nhà đầu tư bốc hơi chóng mặt. Anh Dương Mạnh Hà (40 tuổi, ngụ tại Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang nắm giữ hơn 2 triệu đồng tiền số PI. Đây là số đồng PI anh mua gom trong vài năm qua cũng như “đào” trên điện thoại trong một thời gian dài.
Anh Hà cho hay, PI là đồng tiền chưa được niêm yết nhưng cũng lao dốc như nhiều đồng tiền khác khi mà niềm tin trên thị trường số sụt giảm nghiêm trọng. Các nhà đầu tư nắm giữ đồng PI cũng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tâm lý.
“Người tham gia vào cộng đồng PI đang kỳ vọng vào sự ổn định của thị trường chung, cũng như công nghệ cốt lõi,” anh Hà bày tỏ.
Cũng có tâm lý bất an giống như nhiều người đầu tư tiền số khác, anh Hoàng Anh Minh (45 tuổi, ngụ tại Xã Đàn, Hà Nội) tỏ ra thất vọng khi chỉ trong 3 ngày vừa qua, tài sản tiền số của anh vốn được quy đổi ra tiền Việt có giá trị trên 300 triệu đồng, nay đã bốc hơn 40%.
“Mình vào đầu tư vào 5 mã tiền số, có đồng mất giá 28%, có đồng mất giá trị 50%... Túi tiền bốc hơi gần một nửa. Hiện tôi thực sự mất niềm tin và chắc chắn nhiều người cũng như vậy. Thị trường có lẽ sẽ cần một thời gian rất dài nữa mới có thể ổn định trở lại. Lúc đó mới có cơ hội bán ra để thu hồi vốn”, anh Minh thất vọng nói.
Nói về tình cảnh thị trường tiền số hiện nay, tỷ phú Mark Cuban cho rằng chưa bao giờ lại hỗn loạn như những ngày qua. Những gì đang xảy ra giống như cuộc khủng hoảng công nghệ những năm 2000, thời kỷ nguyên Web 2.0 mà thế giới đã trải qua.
Ngọc Cương