Tính tới thời điểm này, các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) tập trung vào Đông Nam Á và Ấn Độ đã huy động được 3,1 tỷ USD, gần đạt mức 3,5 tỷ USD của cả năm 2021, theo hãng nghiên cứu Preqin. Ngược lại, huy động vốn của các VC tập trung vào Trung Quốc giảm mạnh từ 27,2 tỷ USD năm 2021 xuống chỉ còn 2,1 tỷ USD.
(Ảnh: Nikkei) |
Amit Anand, đồng sáng lập quỹ Jungle Ventures cho biết, 50% các nhà đầu tư mà họ trao đổi đang cố gắng đa dạng hóa. Họ đạt được một số thành công nhất định tại Trung Quốc nhưng lo ngại về những “cơn gió chướng” và muốn rót tiền nhiều hơn vào Đông Nam Á, Ấn Độ. Jungle Ventures muốn đầu tư vào 15 - 18 doanh nghiệp thuộc hai khu vực này.
Đầu tháng 5, quỹ East Ventures tiết lộ đã huy động được 550 triệu USD để đầu tư vào startup tại Đông Nam Á, nâng tổng số tài sản đang quản lý lên hơn 1 tỷ USD. Vào tháng 4, quỹ Elevation Capital thông báo gọi thành công 670 triệu USD.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm gọi vốn từ nhà đầu tư như quỹ hưu trí, quỹ tài trợ cho các trường đại học hay những nhà tài phiệt giàu có. Đông Nam Á và Ấn Độ nổi lên như những thị trường hấp dẫn nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của các startup trong vài năm trở lại đây, điểm điểm là một loạt vụ IPO “bom tấn” như Zomato của Ấn Độ hay Grab của Singapore.
Cùng lúc này, giới quan sát chứng kiến sự thay đổi kịch tính trong chính sách của Trung Quốc. Năm 2021, Bắc Kinh cấm các doanh nghiệp dạy thêm, làm tê liệt mô hình kinh doanh của các công ty giáo dục trực tuyến được các quỹ nước ngoài hậu thuẫn. Điều đó dẫn đến tổn thất nặng nề trên giấy tờ, chẳng hạn, SoftBank bút toán giảm 700 triệu USD tại Zuoyebang, nhà phát triển ứng dụng giúp học sinh làm bài tập về nhà, xuống 100 triệu USD.
Trung Quốc cũng giới thiệu các quy định nghiêm khắc hơn đối với các nền tảng công nghệ lớn, bao gồm biện pháp để thúc đẩy cạnh tranh và quản lý cách xử lý dữ liệu người dùng. Động thái khiến cổ phiếu của các công ty đại chúng lớn như Alibaba và Tencent giảm mạnh.
Bắc Kinh gần đây ra tín hiệu kết thúc việc trấn áp, hứa hẹn “thúc đẩy phát triển lành mạnh kinh tế nền tảng” song đồng thời, các lệnh hạn chế Covid-19 tại Thượng Hải và Bắc Kinh lại làm đảo lộn kinh tế Trung Quốc và tiếp tục báo động các nhà đầu tư.
Một quan chức tại công ty quản lý tài sản Nhật Bản tiết lộ, vài nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy rủi ro khi hoạt động tại Trung Quốc. Kết quả là có sự chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc sang các khu vực khác. Ông cũng lưu ý số lượng các quỹ tập trung vào Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ tăng lên nhanh chóng do quy mô thị trường vốn đầu tư mạo hiểm ở đây vẫn nhỏ hơn nhiều Trung Quốc.
Dòng vốn mới có thể là cơn gió mát đối với startup trong khu vực và đối trọng với tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ đang diễn ra hiện nay. Grab, Sea và Paytm đều ghi nhận cổ phiếu giảm hơn 50% trong năm nay.
Dù vậy, việc mở rộng của các quỹ tập trung vào Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn tương đối nhỏ so với quá trình thu hẹp quy mô của các người chơi lớn nhất. SoftBank, tập đoàn đang vận hành hai quỹ Vision Fund 98,6 tỷ USD và Vision Fund 2 56 tỷ USD sẽ giảm một nửa số vốn đầu tư hoặc hơn sau khi báo lỗ kỷ lục. Tình trạng bán tháo cổ phiếu cũng ảnh hưởng đến định giá của các doanh nghiệp.
Du Lam (Theo Nikkei)
Ba đại gia Internet Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng doanh thu chậm nhất lịch sử
Kết quả kinh doanh của Alibaba, Tencent và JD.com – ba hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc có một điểm chung: doanh thu tăng trưởng chậm chưa từng có.