Trong bài viết mới đây về triển vọng FDI khu vực ASEAN đăng trên tờ The Business Times của Singapore, ông Sam Cheong - Trưởng nhóm tư vấn FDI và mạng lưới đối tác tại ngân hàng UOB có trụ sở tại Singapore - cho biết, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 còn hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

{keywords}
Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào các dự án hạ tầng năng lượng ở Đông Nam Á (Ảnh: Trung Nam Solar).

Theo báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu giảm 1/3 từ 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống 1.000 tỷ USD năm 2020.

Trên thực tế, dòng vốn FDI năm 2020 còn thấp hơn 20% so với những năm 2009  khi các đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 diễn ra ở nhiều nước và viễn cảnh suy thoái kinh tế khiến nhiều công ty trên khắp thế giới phải đánh giá lại kế hoạch đầu tư của họ.

Dòng vốn FDI trên khắp châu Á vẫn phục hồi

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông Sam Cheong, bất chấp tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, châu Á vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI. Báo cáo của UNCTAD cho thấy dòng vốn FDI vào châu Á năm 2020 tăng 4% lên mức 533 tỷ USD. Trong đó, dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc đạt 149 tỷ USD, tăng so với mức 141 tỷ USD năm 2019.

Tăng trưởng FDI ở châu Á được dự báo tiếp tục tăng với mức 5-10% so với cùng kỳ hàng năm trong năm 2021. Theo báo cáo của UNCTAD, mức tăng này được thúc đẩy nhờ các nền kinh tế đang phát triển, liên kết khu vực và toàn cầu ngày càng sâu rộng cũng như môi trường đầu tư trong khu vực nhìn chung vẫn thông thoáng bất chấp đại dịch.

Riêng đối với khu vực ASEAN, tác giả cho biết, dòng vốn FDI trong năm 2020 vào khu vực có sụt giảm nhẹ. Những nước thu hút FDI nhiều nhất ở ASEAN đều ghi nhận sụt giảm như Singapore giảm 21%, Indonesia giảm 22%, Việt Nam giảm 2%. Tuy vậy, 3 quốc gia này vẫn chiếm hơn 90% dòng vốn FDI của khu vực trong năm 2020.

Năm 2019, vốn FDI vào Thái Lan đạt khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã chuyển sang âm 6 tỷ USD trong năm 2020 do các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn. Trong khi đó, Malaysia giảm 55% xuống 3 tỷ USD; Myanmar giảm 34% xuống còn 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, tờ The Business Times cho rằng, triển vọng của các nền kinh tế ASEAN vẫn sáng sủa. Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm tất cả các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính khi khối thương mại này hội nhập kinh tế sâu hơn.

Các dự án hạ tầng năng lượng thu hút vốn FDI 

Theo tác giả, dòng vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng trên toàn cầu trong năm 2020 đã giảm 40% xuống còn 27 tỷ USD, thấp nhất trong 8 năm. Nhưng điều đó dường như ngoại lệ với châu Á. Châu Á là khu vực duy nhất có các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng tăng trưởng về cả số lượng lẫn giá trị.

Nêu ví dụ như tại Việt Nam, tác giả cho biết, trong năm 2020, Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ đã đề xuất đầu tư một nhà máy nhiệt điện khí trị giá 5 tỷ USD tại Hải Phòng trong khi Tập đoàn Delta Offshore Energy (Singapore) cũng sẽ thiết lập một cơ sở sản xuất điện LNG trị giá 4 tỷ USD tại Bạc Liêu.

Bất chấp chi tiêu trên toàn cầu giảm sút, vốn FDI vào các dự án năng lượng tái tạo vẫn gia tăng, từ mức 30,7 tỷ USD trong năm 2019 lên 33,4 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, FDI vào các dự án năng lượng tái tạo ở ASEAN cũng sẽ tăng hơn nữa khi khu vực cam kết xem xét và chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.

B.Grimm, một nhà sản xuất điện tư nhân của Thái Lan, đã đầu tư xây dựng một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Tây Ninh, được coi là một trong những nhà máy điện mặt trời lớn nhất trong khu vực. Tương tự, Impact Electrons Siam cũng đang phát triển một trang trại điện gió tại Lào. Đây sẽ là dự án điện gió lớn nhất ASEAN.

Đầu tư trong khu vực của các công ty Đông Nam Á

Theo bài viết của ông Sam Cheong, phần lớn đầu tư FDI của các doanh nghiệp ASEAN vẫn nằm trong khu vực. Dòng vốn FDI nội khối tăng 5,4%, từ mức 22,1 tỷ USD trong năm 2019 lên 23,3 tỷ USD trong năm 2020. 

Trong đó, Singapore và Thái Lan là hai nhà đầu tư lớn nhất tại ASEAN trong năm 2020. Trên thực tế, các công ty từ Singapore đã hình thành nhóm nhà đầu tư lớn nhất ở một số nước. Nhà đầu tư Singapore chiếm đến 25% vốn FDI vào Indonesia và 40% vốn FDI vào Việt Nam. Theo Enterprise Singapore, các công ty từ quốc đảo này đã đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, sản xuất, vận tải, logistic và cơ sở hạ tầng của Indonesia.

Tương tự Singapore, trong năm 2020, dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Thái Lan cũng đã tăng gấp đôi lên 17 tỷ USD. Trong đó, 85% vốn FDI của nước này tập trung vào các ngành như dịch vụ tài chính, bán lẻ, bán buôn, sản xuất, bất động sản và hoạt động xây dựng trong ASEAN.

Indonesia và Philippines cũng đầu tư vào khu vực với số vốn lần lượt là 4,5 tỷ USD và 3,5 tỷ USD. Ví dụ như Tập đoàn Japfa Comfeed (Indonesia) đã mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam trong khi Tập đoàn Ayala (Philippines) cùng với đối tác Singapore cũng đang xây dựng một trang trại điện gió tại Việt Nam.

Kết luận, tác giả nhận định, trong khi triển vọng chung của các nước ASEAN phụ thuộc vào cách các nước ngăn chặn đại dịch như thế nào thì đầu tư nội khối sẽ thúc đẩy không chỉ hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn mà còn mang lại triển vọng tăng trưởng dài hạn cho khối.

(Theo The Business Times/ Dân Trí)

Bỏ tỷ USD làm ăn dài hạn, đâu dễ rời bỏ vì đứt gãy ngắn hạn

Bỏ tỷ USD làm ăn dài hạn, đâu dễ rời bỏ vì đứt gãy ngắn hạn

Dòng vốn FDI là đầu tư trung và dài hạn cho nên những đứt gãy mang tính ngắn hạn không dẫn tới sự rút vốn mà có khả năng chỉ ảnh hưởng tới một số đơn hàng gấp.