Theo thông tin từ khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), trường hợp này là bệnh nhân nam 22 tuổi mắc viêm não tự miễn thể NMDAR bị kích hoạt sau khi mắc viêm não do virus herpes simplex (HSV).
Rối loạn ngôn ngữ vì viêm não tự miễn
Trước đó, người bệnh từng khám tại phòng khám tư sau khi xuất hiện đau đầu, buồn nôn, sốt. Anh được chụp MRI sọ não, ghi nhận có tổn thương 2 bên vùng thái dương. Một ngày sau, tình trạng đau đầu của bệnh nhân tăng, có rối loạn ý thức, anh đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán viêm não HSV. Hai tuần sau, bệnh nhân hết sốt, không còn đau đầu, không liệt, đi lại bình thường, kết quả xét nghiệm âm tính với HSV.
Sau một tuần chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) điều trị củng cố, anh ra viện. Lúc này, bệnh nhân tiếp xúc được nhưng trí nhớ giảm, không có rối loạn tâm thần hay cơn động kinh.
Tuy nhiên, 4 ngày sau, anh lại xuất hiện triệu chứng rối loạn tâm thần như nói nhiều và nói những nội dung không phù hợp. Hai ngày sau, anh chuyển sang trạng thái kích thích, loạn thần, sốt. Anh được đưa vào khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Quân y 103) trong tình trạng rối loạn ảo giác, chửi bới... Sau 3 ngày, anh hôn mê, gọi hỏi không trả lời, không đáp ứng khi kích thích đau, tăng trương lực cơ toàn thân, sốt 37,5-38 độ C.
Nam bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội thần kinh, điều trị nhưng tình trạng lâm sàng vẫn không cải thiện, xuất hiện các cơn gồng cứng kéo dài khoảng 1-2 phút/cơn, tăng trương lực cơ toàn thân, quay đầu về bên phải.
Bác sĩ tiếp tục chỉ định cho bệnh nhân làm lại loạt xét nghiệm nhưng không phát hiện nghi ngờ. Tuy nhiên, hình ảnh chụp MRI sọ não lại ghi nhận tổn thương cũ vùng thái dương trái và tổn thương thùy thái dương hai bên lan rộng hơn so với phim MRI sọ não chụp trước đó một tháng.
Bệnh nhân được xét nghiệm tầm soát các kháng thể có thể gây viêm não tự miễn, kết quả cho thấy dịch não tủy dương tính với anti-NMDAR (N-methyl-d-aspartate).
Sau một đợt điều trị, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân có cải thiện nhưng không đáng kể. Bác sĩ tiếp tục cho anh điều trị chuyển đổi huyết tương, tình trạng chuyển biến khá tốt. Anh làm theo lệnh được, nói chưa rõ tiếng, có cơn rối loạn tâm thần nhưng không còn cơn gồng cứng.
Sau 54 ngày điều trị, nam thanh niên được ra viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc, đi lại được, liệt nửa người phải, còn biểu hiện rối loạn tâm thần, không có cơn gồng cứng, tiếp tục dùng nhiều loại thuốc. Sau một năm, anh không còn cơn động kinh, không còn rối loạn tâm thần, vận động hồi phục. Tuy nhiên, bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, mất đọc, mất viết.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Viêm não do virus herpes simplex (HSV) là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính. Triệu chứng của bệnh là sốt cao, co giật, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, rối loạn ý thức và hôn mê. Bệnh có nguy cơ tử vong cao hoặc di chứng nặng nề. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị bằng thuốc đặc hiệu và chăm sóc tích cực, người bệnh thường có tiên lượng tốt.
Theo một báo cáo do bác sĩ Trần Thị Ngọc Trường và các cộng sự tại Khoa Thần kinh Bệnh viện 103 (Hà Nội) mới công bố gần đây, khoảng 12-27% bệnh nhân phát triển các triệu chứng thần kinh tái phát vài tuần sau khi các xét nghiệm về HSV trong dịch não tủy đã âm tính và liệu trình điều trị bằng Acyclovir đã kết thúc.
Viêm não tự miễn thể NMDAR là loại viêm não tự miễn thường gặp nhất, chủ yếu ở nữ giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi song hay gặp ở người trẻ tuổi.
Các bác sĩ khuyến cáo trường hợp sau viêm não do HSV xuất hiện triệu chứng rối loạn tâm thần, thiếu sót thần kinh mới, hoặc có diễn biến nặng lên của các thiếu sót thần kinh sẵn có, cần được xét nghiệm dịch não tủy và kháng thể bề mặt tế bào thần kinh (chủ yếu là NMDAR) để chẩn đoán các đợt tái phát qua trung gian miễn dịch sau viêm não do HSV.