Nga tuyên bố tiêu diệt 90% số drone của Ukraine bằng cách gây nhiễu. Đó là con số chưa thể kiểm chứng, nhưng một báo cáo từ RUSI - tổ chức tư vấn chiến lược trụ sở tại Vương quốc Anh cho thấy trong những tháng đầu cuộc chiến, các drone chỉ có tuổi thọ trung bình 3 ngày trước khi bị vô hiệu hoá.
Ngay cả một số drone quân sự chuyên dụng cũng dễ dàng bị hạ gục. Mỹ từng gửi máy bay trinh sát không người lái RQ-11 Raven đến Ukraine vào năm 2016, nhưng chúng nhanh chóng bị xếp xó vì không thể tác chiến dưới áp chế điện tử dày đặc từ phía quân đội Nga.
Điểm yếu cố hữu
Trong những ngày đầu cuộc chiến, drone, phần lớn là dòng Mavic do hãng DJI của Trung Quốc sản xuất, đã giúp các đội săn xe tăng của Kiev rình rập “con mồi” trong thành phố và thị trấn. Ngoài ra, chúng cũng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và giám sát, định vị gián tiếp cho pháo binh, xe tăng hay súng cối.
Song, ngay từ trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giới nghiên cứu quân sự đã lưu ý rằng liên lạc vô tuyến là “gót chân Achilles” của những chiếc drone tiêu dùng. Trong khi đó, Nga là cường quốc tác chiến điện tử, sở hữu hàng loạt hệ thống gây nhiễu mạnh mẽ đủ sức cắt sóng liên lạc, hay phát ra âm thanh có bước sóng lấn át tín hiệu điều khiển drone, cũng như các tín hiệu GPS.
“Tại một số khu vực ở Ukraine, các máy bay không người lái DJI thậm chí không thể cất cánh do bị gây nhiễu trên tất cả các tần số”, Ivan Tolchinsky, cựu lính bắn tỉa thuộc lực lượng phòng vệ Israel, đồng thời là nhà sáng lập Atlas Dynamics - công ty đang cung cấp drone cho quân đội Ukraine cho biết.
Để giải quyết bài toán này, các loại drone được trang bị hệ thống nhảy tần mới, có khả năng quét sóng vô tuyến, phát hiện tần số nào đang bị gây nhiễu và tự động chuyển sang tần số mới. Tuy nhiên, đây chưa phải lời giải lâu dài trong cuộc chiến.
Liên lạc phân tán phi tập trung
Atlas Dynamics đang phát triển những thế hệ drone ba cánh quạt tiếp theo dựa trên nguyên lý phát sóng dạng lưới - thiết lập trong đó mỗi bộ phát đóng vai trò là nút giao tiếp với các nút lân cận, tạo thành mạng lưới liên lạc mạnh mẽ.
Ví dụ, một chiếc drone trong thung lũng sâu có thể không liên lạc trực tiếp được với người điều khiển, nhưng nó vẫn có thể truyền tín hiệu với một chiếc drone khác trên cao để nhận lệnh từ chỉ huy. Về mặt lý thuyết, điều này có thể xảy ra với nhiều “bước nhảy”.
Hiện tại công ty đang thử nghiệm thiết lập bao gồm tối đa 5 drone/mạng lưới với 1 người điều khiển duy nhất.
“Ý tưởng của công ty là tăng công suất mạng lưới lên tới 50 drone cùng lúc, nhưng quan trọng hơn là tạo ra một hệ sinh thái chung”, Tolchinsky nói, đề cập tới việc các drone khác nhau hoạt động trong cùng một mạng lưới để chuyên môn hoá từng nhiệm vụ cho các thiết bị. Chẳng hạn một chiếc bay cao giữ vai trò duy trì liên lạc, trong khi những drone bay thấp hơn được trang bị các loại cảm biến khác nhau, có khả năng kết nối thậm chí cả những robot dưới mặt đất.
Khi đó, người điều khiển trở thành một chỉ huy “bầy đàn”, quản lý nhóm drone tự thực hiện hầu hết các công việc và chỉ cần đưa ra các quyết định quan trọng.
Chip tích hợp tối ưu sức mạnh phần cứng
Theo Atlas Dynamics, các drone sẽ được trang bị chip tích hợp có thể lập trình (FPGA), về cơ bản là vi mạch cho phép tạo ra các vi xử lý chuyên biệt, tận dụng hiệu quả sức mạnh phần cứng cho một ứng dụng cụ thể mà không cần xây dựng một nhà máy hàng tỷ USD.
Công nghệ này đã được startup nghiên cứu và phát triển trong vòng 5 năm qua, từ trước khi cuộc chiến nổ ra và dự kiến sẽ phát hành chính thức vào cuối năm nay.
Tolchinsky nói rằng vấn đề cốt lõi của thế hệ drone tiếp theo, không chỉ là trang bị mới tiên tiến hơn mà còn là giảm giá thành tối đa mỗi thiết bị, để người dùng không còn phải lo lắng những chiếc máy bay đắt tiền có thể bị bắn hạ.
“Có một số máy bay không người lái rất đắt tiền ở Ukraine, nhưng chúng không hoạt động vì họ lo ngại thiết bị gặp vấn đề hay bị bắn hạ. Họ phải sử dụng thứ gì đó đủ rẻ tiền”, cựu lính bắn tỉa Israel cho biết.
Lĩnh vực quân sự truyền thống thường đối mặt với xu hướng những thiết bị ngày càng trở nên phức tạp và đắt đỏ. Chẳng hạn, mẫu máy bay trinh thám Predator 1 ban đầu chỉ là chiếc thuỷ phi cơ không người lái trang bị máy ảnh có giá 1 triệu USD, nhưng nhanh chóng trở thành cỗ máy tàng hình Reaper 22 triệu USD.
Song, các nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự không thể tiếp tục đẩy giá lên cao khi họ có sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất máy bay không người lái dân sự với chi phí thấp. Chưa kể, khi chiến tranh nổ ra, những thiết bị rẻ tiền và hiệu quả sẽ có lợi thế hơn những phần cứng tinh vi nhưng đắt tiền.
(Theo PopularMechanics)