Trong những ngày qua, câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch với phương pháp xây đập tràn trên sông Hồng, lấy nước thau rửa nguồn ô nhiễm lại khiến nhiều người khấp khởi về viễn cảnh sông Seine xuất hiện giữa lòng Thủ đô. Nhưng, nhìn lại các lần hồi sinh trước đây, đến nay Tô Lịch vẫn là dòng sông chết.
Hơn 20 năm qua, TP Hà Nội thí điểm nhiều giải pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch như: Lấy nước sông Hồng, tạo dòng chảy sông Tô Lịch; Dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; Công nghệ Nhật Bản phân hủy bùn.
Tuy nhiên, giải pháp khả thi và được lòng các chuyên gia nhất vẫn là xây dựng hệ thống cống để tách nước thải khỏi sông Tô Lịch. Bởi hiện nay, hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hằng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông.
Thế nhưng, dự án tách nước thải ra khỏi sông Tô Lịch được TP Hà Nội khởi công từ tháng 10/2016, với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD, đến nay vẫn chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874ha.
Cụ thể, sau 8 năm xây dựng, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá mới cơ bản hoàn thành. Dự kiến trong quý 2/2024 sẽ vận hành thử nghiệm nhà máy.
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất của dự án là việc xây dựng hệ thống dẫn nước thải về nhà máy để xử lý. Trong đó, hệ thống tuyến cống ngầm dọc sông Tô Lịch đã hoàn thành 90% khối lượng; hệ thống cống dọc sông Lừ (hơn 7km) hoàn thành 10% khối lượng; hệ thống cống khu vực Hà Đông đạt 16% khối lượng.
Gấp rút hoàn thành hệ thống thu gom nước thải
Trong buổi làm việc với các đơn vị thi công dự án dịp sau Tết Nguyên đán vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có vai trò rất quan trọng đối với môi trường thành phố. Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện dự án hiện nay là xây dựng hệ thống cống ngầm gom nước thải.
“Nhà máy hoàn thành mà không đủ nước để xử lý thì sẽ không phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Trọng Đông nói và đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống thu gom nước thải cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, môi trường là vấn đề lớn của thành phố. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, TP Hà Nội phải đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50-55% (hiện nay xử lý được 28,8%).
Để đạt được mục tiêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu để đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào hoạt động. “Khi hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, 50% lượng nước thải của thành phố sẽ được xử lý”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá không chỉ có ý nghĩa về việc đạt chỉ tiêu xử lý nước thải của thành phố mà còn góp phần rất quan trọng trong việc làm sạch các con sông quan trọng của Thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét để phục vụ cho gần 1 triệu dân trong phạm vi 6 quận nội thành và huyện Thanh Trì.
Để các dòng sông của thành phố ‘sống lại’, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, sau khi dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu phương án bổ cập nước vào các dòng sông.