Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của các Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông và Dương Đức Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo về xử lý các tồn tại, vướng mắc, thủ tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hình thức hợp đồng BT và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.
Thông báo nêu rõ, trước đó HĐND TP, UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành TP, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư vào quý I/2023 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Sở, ngành TP, đơn vị còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn chỉnh các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo hoàn thành dự án vào năm 2025, các Phó Chủ tịch UBND TP thống nhất yêu cầu các sở, ban, ngành TP, các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện loạt nhiệm vụ.
Đối với việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động hướng dẫn các đơn vị hoàn chỉnh thủ tục để sớm thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, đảm bảo yếu tố pháp lý chặt chẽ của dự án đầu tư.
Đối với việc gia hạn hợp đồng BT và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, UBND TP giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh quy trình, thủ tục ký phụ lục gia hạn hợp đồng BT với Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (thời gian hoàn thành trong tháng 6/2023).
Thống nhất chủ trương đối với báo cáo, đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP về việc tạm thời gia hạn thời gian thực hiện dự án, thời gian thực hiện hợp đồng dự án BT đến ngày 31/12/2023 (thời gian thực hiện cụ thể sẽ được xác định và ký phụ lục sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh của dự án được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt) để đảm bảo hiệu lực hợp đồng được liên tục, xuyên suốt, làm cơ sở cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công (nhất là đoạn tuyến đã GPMB khoảng 7km từ km19+900 đến km26+500).
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng các đơn vị có liên quan khôi phục mốc giới theo chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt để các huyện thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tuyến đường.
Cùng với đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (nhà đầu tư) và Công ty CP Đầu tư phát triển địa ốc Cienco 5 (doanh nghiệp dự án) khẩn trương củng cố hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT, hoàn thiện phụ lục hợp đồng BT.
Về các dự án đầu tư đối ứng, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn đơn vị về quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đối ứng (khu đô thị Thanh Hà A, B; khu đô thị Mỹ Hưng) theo quy định của pháp luật; xem xét việc gia hạn thời gian thực hiện các dự án đối ứng.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương bàn giao mốc ranh giới Khu đô thị Mỹ Hưng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án đường BT hơn 6 nghìn tỷ 10 năm chưa xong
Trước đó, trả lời ý kiến cử tri về dự án BT này, UBND TP cho biết, trong quá trình triển khai dự án, có xảy ra tranh chấp nội bộ giữa nhà đầu tư (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5) và doanh nghiệp dự án (Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5).
Đồng thời, dự án phải giải quyết các tồn tại về thực hiện nghĩa vụ tài chính 920 tỷ đồng chi phí lãi vay theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Sau thời gian dài tranh chấp, 2 doanh nghiệp đã thống nhất cùng nhau giải quyết mâu thuẫn, cùng hợp tác tiếp tục thực hiện dự án và đồng ký các văn bản về việc cam kết giải quyết các tồn tại, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án đối ứng.
Được biết, dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) có tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha).
Thực hiện dự án có 2 đơn vị tham gia, gồm: Nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và doanh nghiệp dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5.
Dự án BT được triển khai từ năm 2008 nhưng mới hoàn thành khoảng 20km còn hơn 21km đang GPMB.
Đến nay, dự án đã chậm 10 năm theo hợp đồng số 02/HĐBT (ngày 18/4/2008).
UBND TP Hà Nội yêu cầu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Nhà đầu tư) với Công ty CP Phát triển địa ốc Cicenco5 (Doanh nghiệp dự án) nộp khoản lãi vay 920 tỷ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.