Tại phiên chất vấn chiều 6/11, nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng liên quan đến những bất cập tại các dự án đường cao tốc hiện nay.
Vừa chạy, vừa xếp hàng, vừa thi công
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng GTVT về việc gần 200km đường cao tốc đi qua Bình Thuận nhưng chưa có trạm dừng nghỉ.
“Người dân và cử tri phản ánh khi lưu thông trên cao tốc này không biết giải quyết "nỗi buồn" ra sao? Xin hỏi Bộ trưởng giải quyết vấn đề trên ra sao? Khi nào có trạm dừng nghỉ để người dân an tâm khi lưu thông trên cao tốc”, đại biểu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm và bày tỏ rất chia sẻ với người dân khi tham gia trên các tuyến cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, "đúng là trạm dừng nghỉ đang bị chậm".
Tư lệnh ngành giao thông cho hay, nhiệm kỳ này khi triển khai các dự án cao tốc, chúng ta phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, các trạm dừng nghỉ không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, mà còn là nơi nếu biết khai thác sẽ đem lại nhiều lợi ích rất lớn.
"Khi rà soát lại các quy định liên quan trạm dừng nghỉ gần như không có hành lang pháp lý gì", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Theo ông Thắng, Bộ GTVT vừa qua rất quyết liệt, “vừa chạy, vừa xếp hàng, vừa thi công” và toàn bộ các dự án giai đoạn 1 gần như không có trạm dừng nghỉ. Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn nhà đầu tư để xã hội hóa. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác liên quan quy mô trạm dừng nghỉ cũng chưa có quy định.
Bộ trưởng GTVT cho hay, trước đây trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc có quy mô tối đa là 1ha nhưng bây giờ 1ha không thể làm được, nên vừa rồi Bộ GTVT tích cực xây dựng hành lang pháp lý, quyết liệt quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi các nhà đầu tư.
Đến nay, các tuyến cao tốc giai đoạn 1 bắt đầu đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, 9 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023-2024; 15 trạm của giai đoạn 2 chắc chắn sẽ đảm bảo tiến độ. Tức là khi đưa vào hoạt động, các tuyến cao tốc giai đoạn 2 sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ với quy mô khang trang và phù hợp thông lệ quốc tế.
“Mong đại biểu và cử tri cả nước cảm thông. Bộ GTVT đang rất quyết liệt để làm bù, giai đoạn 2 phải xong và hoàn tất cho cả giai đoạn 1. Việc này cũng sẽ được đưa vào quy chuẩn và trình Chính phủ trong quý 1 năm 2024, gồm cả quy chuẩn đường cao tốc để sau triển khai dễ dàng hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Gửi văn bản để cùng kiểm tra, thanh tra và xử lý trách nhiệm
Cùng quan tâm đến những dự án giao thông, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, 2/3 tổng vốn đầu tư công dành cho hạ tầng giao thông nhưng các dự án quan trọng quốc gia đều điều chỉnh thời gian thực hiện cũng như tổng mức đầu tư, trong khi ban đầu báo cáo rằng đã được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí có phương án dự phòng.
“Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm khi trình không chính xác thuộc về ai? Bộ có cho rằng cần xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân?”, đại biểu Lê Hoàng Anh nêu chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết kỳ trung hạn 2021-2025 Bộ GTVT được giao 64 dự án với số vốn hơn 300 nghìn tỷ đồng, hiện đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai.
Tư lệnh ngành giao thông khẳng định, quá trình triển khai cơ bản các dự án đều tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, hoặc có thì rất ít. Riêng ở ĐBSCL có 3 dự án có tăng tổng mức đầu tư tương đối cao là: Cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An – Cao Lãnh.
Nguyên nhân được chỉ ra là khi triển khai khảo sát thiết kế dự án rơi vào thời gian dịch bệnh (2020-2021), dẫn đến công tác khảo sát chưa được triệt để. Nguyên nhân chủ yếu do liên quan đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương.
“Khi khảo sát một đơn giá và khi triển khai lại một đơn giá, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng hơn bình thường. Còn cơ bản các dự án còn lại đảm bảo tổng mức đầu tư”, Bộ trưởng Thắng giải thích.
Khẳng định đã thực hiện nghiêm việc xem xét trách nhiệm, Bộ trưởng GTVT cho hay đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan để cùng kiểm tra, thanh tra và xử lý trách nhiệm. Với nhà thầu thì có chế tài xử phạt; với Ban quản lý dự án, chủ đầu tư cũng có chế tài kiểm điểm, xem xét trách nhiệm cả cơ quan thẩm định của bộ.
"Đặc biệt, xử lý nghiêm khắc với đơn vị tư vấn, cả phạt tiền và hạn chế tham gia thầu các dự án khác của Bộ GTVT. Bộ thực hiện nghiêm túc và vẫn đang triển khai xử lý”, Bộ trưởng GTVT khẳng định.