Quốc hội thông qua nghị quyết xây dựng sân bay quốc tế Long Thành từ tháng 6/2015. Gần 7 năm trôi qua, 2 công đoạn sẽ xử lý đồng thời là đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng đều chậm trễ so với kế hoạch.
Đại dự án dở dang
Cách đây 10 năm, tôi có dịp đến làm việc với trường ĐH Truyền thông Stuttgart (Đức). Ở xưởng in của trường có độ 10 sinh viên đang làm việc. Tôi ngạc nhiên thấy họ sử dụng các bản in khổ lớn bằng loại giấy có độ trắng rất cao cho sinh viên thực hành.
Ai hiểu về ngành in đều hiểu giá thành của loại giấy có độ trắng cao như thế là rất đắt so với giấy thông thường. Tôi hỏi ông giám đốc phụ trách đối ngoại: Dùng giấy đắt như thế chỉ để cho sinh viên thực hành có lãng phí quá không? Ông nhìn tôi như nhìn người từ trên trời rơi xuống: “Sao lại lãng phí khi chúng tôi đã yêu cầu giáo viên và sinh viên phải cân nhắc rất kĩ trước khi đặt lệnh in? Giấy rất đắt, họ phải có trách nhiệm tránh mọi sai sót này từ khâu biên tập, chế bản, chỉnh sửa màu sắc, họa tiết trên máy... Nếu dùng giấy rẻ tiền thực hành, sau này tâm lý của họ là sai sót vẫn sửa được nên làm ẩu cũng không sao. Như thế mới chính là lãng phí”!
Tôi biết một cơ sở đại học, cách đây hơn 20 năm, ai cũng phấn khởi khi nhà trường được đầu tư một phòng lab ảnh màu cho sinh viên thực tập. Giá trị đầu tư trên 1 tỷ đồng lúc đấy là một khoản rất lớn!
Thế nhưng, bàn giao xong thì phòng thực hành vẫn cửa đóng then cài. Tài sản lớn bảo vệ nghiêm ngặt không ai được bén mảng. Lãnh đạo giải thích hoá chất rửa ảnh màu rất đắt, giấy in cũng đắt, nhà trường được cấp máy nhưng không được cấp tiền mua hoá chất và giấy để sử dụng nên sau khi dùng thử thì đành để đấy… Mấy năm sau, cả thầy lẫn trò ngẩn ngơ khi biết cả hệ thống hiện đại mơ ước ấy đã hỏng hoàn toàn do lâu không được sử dụng đến. Một khoản tiền lớn vứt qua cửa sổ vì sự thiếu đồng bộ của chính sách hay sự tắc trách của một vài người nào đó đã rơi vào im lặng.
Những sự lãng phí như thế trong đầu tư của chúng ta không khó thấy. Vỉa hè còn tốt đã đào lên làm lại, đơn giản vì cuối năm chưa tiêu hết vốn được giao. Không chỉ tiền mất mà bao người còn chịu sự bất tiện, đi lại khó khăn do đất đá để ngổn ngang. Chưa kể, đường dây điện, viễn thông, đường ống nước thường xuyên được đào lên, lấp xuống, không đồng bộ khiến mặt đường lồi lõm, “thương tích” quanh năm…
Thế nhưng, bấy nhiêu sự lãng phí đó cũng chỉ là lặt vặt so với các đại dự án còn đang dở dang. Những dự án đường sắt trên cao lỗi hẹn cả chục năm, đội vốn vài chục ngàn tỷ không còn là chuyện lạ.
Điển hình là dự án xây dựng tuyến đường sắt số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt từ năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn xin lùi thời hạn hoàn thành, dự kiến đến tận năm 2028, đội vốn từ 7.387 tỷ lên tới… 43.757 tỷ đồng; dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương đội vốn từ 26.116 tỷ đồng lên 47.891 tỷ, dự án được phê duyệt từ 2010 nhưng dự kiến phải sau 20 năm, đến 2030 mới hoàn thành… Chưa kể những dự án đường sắt trên cao đội vốn hàng chục nghìn tỷ nhưng còn chưa rõ thời hạn hoàn thành như đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…
Có dự án chậm tiến độ, cả nghìn tỷ phơi mưa nắng thành sắt vụn như nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Cùng chung tình trạng với nó là hơn chục dự án lãng phí trong lĩnh vực công thương như xơ sợi Đình Vũ, nhà máy Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc…
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN chọn nhà thầu yếu kém, sử dụng vốn sai mục đích vô tội vạ. Sau mấy lần điều chỉnh thì giá thành đã tăng vọt lên nhiều lần. Kết quả là trong khi nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 đã hòa lưới điện 5-6 năm nay với doanh thu nhiều nghìn tỷ mỗi năm thì nhiệt điện Thái Bình 2 đến tận giữa năm nay, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới bắt đầu “nhúc nhắc” chạy tổ máy số 1. Máy móc đã hết thời gian bảo hành, cả dây chuyền may mắn không thành sắt vụn nhưng điểm hoà vốn thì nhà đầu tư chắc không dám nghĩ đến!
Không phải ngẫu nhiên, suốt nhiều tháng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành những ngày nghỉ cuối tuần đi nhiều tỉnh, thành, xuống hàng loạt các công trình chậm tiến độ đang phơi sương, phơi nắng.
Đơn cử, hai dự án bệnh viện trị giá cả chục nghìn tỷ ở Hà Nam qua 3 nhiệm kỳ chính phủ vẫn nằm im lìm đó. Ngoài chuyện công trình chậm tiến độ, nhiều người còn lo rằng việc các bác sĩ không muốn rời thủ đô về tiếp quản công trình ngàn tỷ ấy cũng là nguyên nhân gây chậm trễ.
Cũng lý do tương tự như thế, chủ trương đưa các trường đại học về các tỉnh và ra khu vực ngoại thành cơ bản vẫn nằm trên giấy. Các thầy “ngại” đi xa đã đành, nhiều người lo con “các anh ấy” cũng không muốn đi học xa xôi nên việc di dời các trường đại học vẫn là việc xa vời.
Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tháng 5 vừa rồi rất quyết tâm mới đưa được trung tâm điều hành lên Hòa Lạc, đồng thời đưa dần một số cơ sở đào tạo và môn học đặc thù phù hợp như giáo dục quốc phòng để lên tiếp quản cả nghìn héc ta đất đã khởi động xây dựng hơn 20 năm nay.
Chậm thế nhưng vẫn là “gương mẫu” nếu so với hàng chục cơ quan, bộ ngành tiếp quản xin đất xây trụ sở mới ở chỗ rộng hơn nhưng vẫn kiên trì giữ đất vàng, đất kim cương thủ đô với muôn ngàn lý do rất chính đáng, nào là “ý nghĩa lịch sử”, nào là “cái gì cũng cần thời gian chuyển tiếp”, thậm chí “im lặng là vàng”, giữ đất là việc cả làng chứ riêng gì ai đâu!
Chưa mạnh tay xử lý lãng phí của công
Cái gốc của sự lãng phí là cơ chế tài chính, quản lý tài sản công cứng nhắc, bất hợp lý nên nhiều khi “lãng phí mới là làm đúng”, “tiết kiệm có khi sai”, xuân thu nhị kỳ cứ tiêu tiền ngân sách cho bằng hết, “đúng quy trình”, không cần biết có hiệu quả hay không. Chưa kể, nếu không tiêu hết năm nay thì ngân sách năm sau sẽ bị cắt nên phải tiêu cố, đổ ra sông, ra biển cũng là vì… “tương lai” của cơ quan.
Sự lãng phí còn có nguyên nhân là thái độ vô cảm, tư duy tiêu "chùa" của không ít lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, sự “năng động” kiểu “sống chết mặc ai, tiền thầy tiêu đã” của không ít cán bộ chuyên trách về tài chính, công sản.
Chưa kể, cơ quan chức năng quan tâm nhiều đến truy xét tham ô, tham nhũng nhưng dường như chưa thật mạnh tay xử lý tình trạng lãng phí của công. Với những quy định cũ kĩ của cơ chế và sự thiếu trách nhiệm của một số người lẽ ra phải có trách nhiệm, lãng phí đã thành căn bệnh hiển hiện ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, làm mất mát tài sản, tiền bạc và niềm tin của nhân dân. Nhưng nó chưa được quan tâm xử lý vì hình như lãng phí chưa gây mất mát cán bộ, thậm chí còn khiến cán bộ thiếu trách nhiệm sống dai hơn với sự vô cảm cố hữu do đã làm đúng quy trình, “tôi có mang đồng nào về nhà đâu mà xử lý”?
Tuy nhiên, lãng phí tiền bạc, của cải dẫu sao cũng là chuyện không khó nhận ra. Còn lãng phí trong sử dụng cán bộ, lãng phí cơ hội phát triển khi có tình trạng nhiều cơ quan, cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, khiến quyết sách không được đưa ra kịp thời, rồi các trường đại học tuyển sinh ồ ạt, “phổ cập đại học” để sinh viên ra trường không làm được việc lại phải tìm các nghề phổ thông như chạy taxi, Grab.
Còn lãng phí thời gian của những cuộc họp kéo dài lê thê, vô bổ, họp nhiều đến mức có cơ quan muốn đề nghị bổ sung thêm cấp phó chỉ để đủ người dự các cuộc họp cho đúng thành phần… Những kiểu lãng phí vô hình này cực kỳ nguy hiểm vì nó tiêu hao năng lượng tích cực của bộ máy công quyền nhưng khó nhận diện và ngăn chặn hơn nhiều so với lãng phí của cải, tiền bạc có thể đo đếm được bằng những con số thống kê.
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa (Đại biểu Quốc hội)