Ngày 28/6 Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Sau hơn 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản năm 2010 đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất…
Mặt khác, hiện một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… Do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngày 20/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Dự thảo gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Trước khi Quốc hội cho ý kiến, tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhiều đơn vị đã có những đóng góp, góp ý cụ thể cho dự án luật quan trọng này.
Đại diện cho khối doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác soạn thảo, thẩm tra dự án luật, Chủ tịch Liên đoàn VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Luật Khoáng sản đã được Quốc hội ban hành lần đầu vào năm 1996, khá sớm so với nhiều lĩnh vực pháp luật khác.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn bản quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế đối với công nghiệp khai khoáng.
Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu trong đó đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á. Để làm được điều này thì công tác xây dựng thể chế là đặc biệt quan trọng.
Luật Khoáng sản 2010 đã trải qua hơn 13 năm thi hành, mang lại nhiều kết quả tích chực nhưng cũng có nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung.
Về vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là nội dung được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010 và được kỳ vọng là sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai, số lượng mỏ khoáng sản được đấu giá rất thấp.
Ở cấp trung ương chỉ có 10 mỏ được đấu giá trên tổng số 441 giấy phép được cấp. Ở địa phương có 827 trường hợp đấu giá trên hơn 3.000 giấy phép. Trong khi đó, giá trúng đấu giá luôn cao hơn từ 20 đến 40% giá khởi điểm, có trường hợp cao gấp 2-3 lần.
Về tài chính về khoáng sản cũng là nội dung cần được tháo gỡ. Vấn đề tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu trước khi mỏ đi vào hoạt động, lại dựa trên số liệu ước đoán từ kết quả thăm dò, đang đẩy toàn bộ rủi ro về phía doanh nghiệp, khiến các dự án khoáng sản đã nhiều rủi ro lại càng thêm rủi ro.
Chủ tịch VCCI phân tích, sự thiếu minh bạch và không ổn định của các nghĩa vụ tài chính khác như thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cũng làm các doanh nghiệp, ngân hàng do dự khi cân nhắc bỏ vốn vào các dự án khoáng sản quy mô lớn, hoặc các dự án đi kèm chế biến.
Liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Chủ tịch hội Địa chất kinh tế Việt Nam Lê Ái Thụ cho biết, dự thảo luật quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ: Trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; Giá tính thuế tài nguyên khoáng sản.
Chủ tịch hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho rằng quy định không phù hợp với bản chất, đặc thù của tài nguyên khoáng sản. Nếu áp dụng quy định này vào thực tiễn sẽ dẫn đến vừa tổn thất tài nguyên khoáng sản, vừa thất thu nguồn thu ngân sách. Đồng thời, quy định này sẽ tạo ra sự bất công rất lớn giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Dự thảo luật cũng quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ giá tính thuế tài nguyên khoáng sản.
Ông Lê Ái Thụ cho hay quy định này sẽ tạo ra tâm lý cho rằng nhà nước lại đặt ra một loại thuế mới. Nếu có quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì chỉ định: Tiền cấp quyền được tính trên sản lượng thực tế khai thác hàng năm.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo Luật dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8.